http://www.zeropoint.ca/1Blavatsky-r.jpg
MINH TRIẾT BÍ TRUYỀN
http://www.decitre.fr/gi/65/9782850000065FS.gifhttp://www.blavatskyarchives.com/sdabridgement.gif
Giáo Lý Bí Truyền  http://thongthienhoc.com/tthniemtransp3-patch+fix-2.gifđang đánh máy

Nguyên tác: THE SECRET DOCTRINE


Tác giả: H. P. Blavatsky

Người dịch: Đỗ Bất Nhị
————————————————� �————————————————-
LỜI NÓI ĐẦU

Tác giả – người tổng hợp thì đúng hơn – cảm thấy cần thiết phải gửi lời xin lỗi đến độc giả, vì sự chậm trễ kéo dài trong việc xuất bản tác phẩm này. Một phần do bệnh tật thường xuyên và cũng do những dự tính lớn lao về vấn đề muốn bàn luận. Ngay cả khi hai tập sách này hoàn tất, không hẳn là công việc đã xong xuôi, bởi vì tác giả nói chưa đủ nhiều về tâm linh huyền bí. Khi mà một khối lượng lớn các tài liệu bí truyền đã được chuẩn bị, đó là lịch sử các thuyết huyền bí trong cuộc sống của các cao-đồ (Adepts) thuộc giống dân Aryan, và sự ảnh hưởng của nó đến đời sống của chúng ta trong mấy nghìn năm nay. Nếu hai tập sách này được chào đón nồng nhiệt, thì chúng tôi sẽ gắng sức hoàn thành các tập tiếp theo. Tập thứ ba, hay thứ tư đã chờ sẵn lên khuôn.

Ban đầu, sau khi xuất bản tác phẩm Nữ-thần-Isis-lộ-diện (Isis Unveiled), chúng tôi định soạn quyển Giáo lý bí truyền (Secret Doctrine) với ý đồ hiệu đính nó. Dần dần trong quá trình biên soạn, chúng tôi cảm thấy rằng cần phải có một phương pháp trình bày khác giúp độc giả dễ dàng tiếp cận các vấn đề đã nói tới trong quyển Nữ-thần-Isis-lộ-diện và tuyển tập về nội môn bí giáo. Vì vậy, tác phẩm này sẽ có khoảng 20 trang được trích từ những tập sách mà chúng tôi đã xuất bản trước đây.

Tác giả cảm thấy đã phụ lòng mong mỏi của quý độc giả, các nhà phê bình về phong cách văn chương thể hiện trong sách này. Bởi vì tác giả là người ngoại quốc, nên tiếng Anh không được hoàn hảo cho lắm. Tác giả quyết định sử dụng Anh ngữ vì nó là ngôn ngữ phổ thông, thuận tiện cho việc truyền đạt những chân lý cổ xưa ra cộng đồng thế giới, mà đó lại là nhiệm vụ hàng đầu mà tác giả được giao phó.

Những chân lý được trình bày dưới đây không mang ý nghĩa như một lời mặc khải; và tác giả cũng chẳng nhận mình là kẻ tiết lộ thiên cơ đầu tiên trong lịch sử. Đó là vì những điều được viết trong tác phẩm này, đã hiện diện từ lâu trong hàng ngàn quyển thánh thư, rải rác ở các tôn giáo khắp từ Á sang Âu. Nó ẩn mình dưới lối viết bằng chữ tượng hình hay biểu tượng, cho nên người đời chưa ai cố công vén lên bức màng ẩn tàng nhiều điều lý thú ấy. Nay, chúng tôi cố gắng thu thập những giáo lý lâu đời nhất, kết hợp chúng lại với nhau và trình bày theo hiểu biết của mình, sao cho mạch lạc nhất. Lợi thế duy nhất mà người viết đã có, là nhận được sự truyền dạy trực tiếp từ các bậc huynh trưởng của mình, chỉ một vài chi tiết là do công tác giả tự tìm tòi nghiên cứu. Việc công bố những kiến thức trong tập sách này, cũng hầu mong trả lại cho môn huyền bí những giá trị chân chính đã thất truyền; vì trong nhiều năm qua, những người theo đuổi nó do đã quá say mê, mà mù quáng tạo nên các suy luận hoang đường mê tín.

Những cũng không cần thiết phải giải thích rằng, tác phẩm này không phải là toàn bộ các giáo lý bí truyền đang tồn tại, nó chỉ là một mảnh nhỏ, một vài nguyên lý cơ bản được rút ra. Và điều đặc biệt, chúng tôi đã chú trọng đến những dữ kiện mà có một số tác giả đã cố tình bóp méo và xuyên tạc.

Nhưng có lẽ chúng tôi cũng nên nói rõ ràng rằng, những giáo lý rời rạc trong tập sách này, không thuộc về một tôn giáo duy nhất nào. Mà đó là tập hợp những tôn giáo đã tồn tại trên trái đất này, của cả người Hindu, người Zoroastrian, hay người Chaldea… Giáo lý bí truyền là cội nguồn, là tinh hoa của tất cả tôn giáo từ Ai Cập, Hồi, Kitô hay Phật giáo. Nó là căn bản, là khởi đầu, làm nền tảng cho sự phát triển của các tôn giáo lớn, mà chúng ta nhìn thấy hiện nay.

Có lẽ là sau khi xem xong quyển sách này, độc giả cho rằng người viết quả là giàu trí tưởng tượng, bởi vì nó giống như các câu truyện cổ tích xa xưa không hề tồn tại. Hầu như chưa có ai từng nghe nói về Thiền-định-chân-kinh (Book of Dzyan) lần nào đâu?

Do đó, tác giả sẵn sàng chịu trách nhiệm về những phát biểu có trong tác phẩm này, thậm chí phải đối mặt với chỉ trích cho rằng mình đã “phát minh” ra nó. Tác giả ý thức được, nhiều người sẽ nhìn nhận nó như là sự hoang đường không đáng tin cậy. Nhưng với lý luận có gắn kết hợp lý và nhất quán, tác giả tin rằng tập sách này đáng được xem là một Sáng-thế-ký (Genesis) mới, đủ tự tin xếp ngang hàng với các “giả thuyết” khoa học đình đám hiện nay. Hơn nữa, người ta sẽ xem xét đến nó, không vì nó được chống lưng bởi một tôn giáo nào; mà điều cốt yếu là những lý luận này bám vào quy luật thiên nhiên, kiểu “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”. Như vậy, mục tiêu ấy là:

- Cho thấy rằng thiên nhiên không phải là “sự tập hợp ngẫu nhiên của các nguyên tử”.

- Gán cho con người vị trí đúng đắn trong sơ đồ của vũ trụ.

- Phục hồi các chân lý cổ xưa – nền tảng của mọi tôn giáo ngày nay. Và mức độ nào đó, sẽ khám phá sự thống nhất giáo lý về một mối.

- Chứng tỏ rằng có những điều ẩn tàng trong thiên nhiên chưa bao giờ được nền văn hiện tại tiếp cận.

Nếu mong mỏi trên được hoàn thành, thì với tác giả không có gì vui vẽ bằng. Những dòng chữ dưới đây hầu để phụng sự nhân loại, và có lẽ phải đợi đến tương lai, hậu thế mới hiểu hết tấm lòng người viết. Còn hiện tại ư, tác giả vẫn quyết tâm chống lại miệng đời, và quen luôn với việc bị vu khống hàng ngày.

H.P.B.

London, October, 1888.

LỜI GIỚI THIỆU

1


Kể từ khi các tác phẩm của Thông Thiên Học xuất hiện ở Anh, người ta quen gọi giáo lý Thông Thiên Học là “Phật giáo bí truyền”. Tình trạng này có vẽ giống như câu thành ngữ mà ta từng quen thuộc, “lỗi lầm thì lăng xuống vực, còn chân lý phải lết lên đồi” (“Error runs down an inclined plane, while Truth has to laboriously climb its way up hill”).

Những lời minh triết của người xưa thường tỏ ra vô cùng hữu lý. Tâm trí con người thật khó mà thoát vòng định kiến, cho nên khi tìm hiểu một vấn đề mới mẻ nào, người ta hay lấy kiến thức mình có được rồi đem ra so sánh. Điều này dẫn đến hai lỗi lầm phổ biến với cách hiểu Thông Thiên Học. Một là, giới hạn Thông Thiên Học vào Phật giáo. Hai là, lẫn lộn những điều Đức Phật đã giảng với ý kiến được nêu ra trong quyển “Phật giáo bí truyền” của ông Sinnett. Đây có lẽ là sai lầm trầm trọng nhất. Nó tạo điều kiện cho những kẻ thiếu hiểu biết có luận điệu công kích chúng ta, điển hình là một học giả có tiếng tăm về ngôn ngữ Pali tuyên bố rằng, nó “không phải bí truyền, và chẳng xứng đáng là đứa con của Phật giáo”. Nhưng sự thật là, những chân lý được viết trong tác phẩm của ông Sinnett, kể từ thời điểm được công bố, nó đã không còn là bí truyền gì nữa. Cũng giống như những giáo lý của Đức Phật, bây giờ có nhiều kinh sách được viết ra để giải thích, thì nó không thể gọi là bí mật. Còn quyển “Phật giáo bí truyền” thì đơn giản là nó trình bày những vấn đề mà nhiều học giả chưa nói tới. Dù vậy, không hẳn là toàn bộ những bí ẩn từ Phương Đông, chỉ cần vài trăm trang giấy kia mà bao quát hết. Có những chủ đề lớn lao hơn đang nằm đằng sau bức màn huyền bí, nếu không được cho phép, không một vị Chơn sư nào có quyền tiết lộ nó – cho dù ông ta muốn. Vì chân lý không để dành cho những kẻ ngờ ngệch nhạo báng và ngờ vực.

Có thể nói quyển “Phật giáo bí truyền” (Esoteric Buddh-ism) là một tác phẩm kinh điển, nhưng với cái tên này nó đã rước vào mình nhiều lời phê phán. Sự thật đã chứng minh, người đời luôn có thói quen đánh giá mọi việc qua bề ngoài, mà chẳng thèm liếc mắt xem ý nghĩa của chúng là gì. Hiểu lầm này trầm trọng đến mức ngay cả những Hội viên Thông Thiên Học cũng bị vạ lây. Đầu tiên là những người Bà-la-môn và những người khác tổ chức biểu tình, phản đối cách đặt tựa đề như vậy. Thật lòng mà nói, mặc dù đây là cuốn sách hay, nhưng cách tác giả dùng phương pháp ghép âm hai chữ “Budh” và “ism” để đặt tên tác phẩm, đã làm người ta hiểu sai và phẩn nộ.

Trách nhiệm này, trước hết thuộc về những Hội viên Thông Thiên Học Ấn Độ, chúng ta đã đem chủ đề này ra trước công luận, nhưng lại thiếu sót không chỉ ra sự khác biệt từ ngữ giữa “Buddhism” và “Buddh-ism”. “Buddhism” – là hệ thống giáo lý đạo đức do Đức Phật (Gautama) thuyết giảng, và tiền tố “Buddh” được lấy từ danh hiệu của Ngài, Phật (Buddha) – Đấng Giác Ngộ. Còn “Buddh-ism” hình thành từ chữ “Budh” – sự hiểu biết, và “Vidya” – sự tri thức; các từ ngữ trên có nguồn gốc Bắc Phạn (Sanskrit).

Những sai sót này đã được nhìn nhận và cải chính. Chúng ta thay vì dùng từ “Buddhism”, nên đổi thành “Budhism”, cũng cần đọc đầy đủ là “Buddhaism”, và gọi tín đồ của nó là “Buddhaists”.

Lời giải thích này hoàn toàn cần thiết trong thời điểm mọi công việc chỉ mới được bắt đầu. Các Tôn giáo Minh triết là di sản kế thừa của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, mặc dù trong quyển “Phật giáo bí truyền” có nêu: “Hai năm trước đây (tức năm 1983), tôi cũng như bao người Âu Châu sống ở đất nước này, không biết chút gì về khoa huyền môn…”. Sự thờ ơ, thiếu kiến thức đã dẫn đến sự hiểu lầm không đáng có.

Những điều tiết lộ trong quyển “Phật giáo bí truyền” không có gì lạ lùng với tác giả, do nhiều năm trước đó (1880) tác giả đã nhận nhiệm vụ từ các Chơn sư, công bố một phần Minh triết bí truyền đến đại chúng. Hai người Châu Âu đầu tiên được lựa chọn, đó là ông Sinnett (tác giả cuốn “Phật giáo bí truyền”), và Đại tá H.S.Olcott – đồng nghiệp của tôi sau này. Ông Sinnett đã thuyết giảng triết lý này nhiều nơi tại Mỹ, trước cả khi quyển “Nữ thần Isis lộ diện” được xuất bản. Còn ông H.S.Olcott thì lần lượt nhận sự giáo huấn trực tiếp ba vị Đạo sư: một người Hungary, một người Ai Cập và một người Hindu.

Hiện tại còn có nhiều người nữa biết đến những giáo lý này, nhưng vì họ không được phép công khai, nên chẳng có lời nào luận bàn về nó. Còn Đại tá Olcott hay ông Sinnett, vì được lệnh, những người này đã dùng nhiều phương pháp để phổ biến chúng đến mọi người.

2

Từ ngữ “Adi” – nghĩa là “Đấng-duy-nhất”, “Đấng-đầu-tiên”; “Budha” – nghĩa là “Minh-triết-tối-cao”, “Minh-triết-tuyệt-đối”. Các từ này đã được Đức Aryasanga sử dụng trong bộ luận bí mật của mình và ngày nay các Phật tử thần bí Bắc tông đều dùng đến. Nó là một thuật ngữ tiếng Phạn, do những người Aryan (Ấn Âu) dùng để xưng danh vị Thượng đế của mình. Từ này được sử dụng trước cả từ “Brahma”, vốn chưa hề xuất hiện trong kinh Veda và những quyển cổ kinh. Và “Adi-Bhuta” được Fitzedward Hall dịch là “nguyên sinh của vạn vật”. Có lẽ vào một thời điểm rất xa xưa, trước tiên danh từ này được dùng phổ biến trong nhân gian, sau đó nó được nhân cách hóa trở thành tôn danh, và chỉ đặc biệt dùng cho những vị có tình bác ái rộng lớn, trí tuệ minh triết cao siêu.

“Bodha” có nghĩa là “sở hữu trí tuệ thiên phú bẩm sinh”; còn Buddhi là “tiếp thu tri thức bằng nổ lực và công đức cá nhân”. Trong khi “Buddhi” là các kênh quang năng (cognizing) dùng để thu thập kiến thức nhằm đạt đến Chân ngã (Ego), đi tới nhận biết thiện và ác, đi tới linh hồn tối thượng, đi tới hiện thể của Atma. Khi “trực giác” (Buddhi) hấp thụ ngã thức (Ego-tism) của chúng ta, ngã thức bị hủy diệt, cùng với tất cả rối loạn (Vikaras) của nó. Đức Quán Thế Âm (Avaloki Teshvara) trở thành biểu hiện của chúng ta, Niết Bàn (Nirvana) hay Giải Thoát (Mukti) sẽ đạt tới. Nirvana hoặc Mukti, nghĩa là thoát khỏi ảo ảnh của thế giới này (Maya). “Bodhi” cũng là một trạng thái đạt tới sự xuất thần (Trance) đại định (Samadhi), của một người đạt tới đỉnh cao trí tuệ tâm linh.

Quả là thiếu khôn ngoan và mù quáng, nếu người nào đó tỏ ra bài Phật giáo và phủ nhận luôn “Giáo lý bí truyền” (mà nó cũng là giáo lý của những người Bà-la-môn) trong thời điểm này, chỉ vì cái tựa đề gợi lên cho họ quan niệm phiếm thần. Nhưng họ đâu biết rằng, trong thời đại vật chất hỗn độn này, chỉ có triết lý bí truyền mới chống đỡ được các cuộc tấn công liên tục làm con người suy sụp tâm thần, khủng hoảng tâm linh trầm trọng. Những triết gia chân chính, các môn đồ của khoa minh triết bí truyền, hầu như đã không còn phàm ngã, không còn niềm tin vào giáo điều và phân biệt riêng rẽ tôn giáo nào. Giáo lý bí truyền dung hợp mọi tôn giáo, lột trần những lớp võ được con người tô vẽ, và trả lại cội nguồn của chính của nó. Nó chứng tỏ sự cần thiết của một Thượng Đế tuyệt đối trong tự nhiên. Nó phủ nhận Thượng Đế không khác nào phủ nhận Mặt Trời. Triết lý bí truyền không bao giờ chối bỏ thượng đế trong tự nhiên, và Thượng Đế trên cương vị là Thực thể tuyệt đối và trừu tượng. Nó chỉ không chấp nhận bất kỳ vị thần thánh nào của cái gọi là tôn giáo độc thần, các vị thần được tạo ra bởi con người theo tưởng tượng của mình. Những hình họa đó dù đẹp đến đâu, cũng chỉ là bức biếm họa báng bổ thần linh không hơn không kém.

Hơn nữa, các tài liệu mà chúng tôi có trong tay, chúng được sưu tập từ các giáo lý bí truyền khắp nơi trên thế giới, và nó còn có trước cả loài người chúng ta nữa kia. Và dĩ nhiên huyền môn Phật giáo chiếm số lượng lớn nhất trong công trình này. Ví dụ như những đoạn bí ẩn trong Thánh Kinh “Dan” [1], “Ja-na” (Dhyan) đều thuộc giáo lý siêu hình của Đức Phật…

Nhà cải cách Hindu giáo (Đức Phật) chỉ nói đến minh triết tôn giáo, khía cạnh đạo đức con người, trong các bài thuyết giảng công truyền. Còn những điều “không nhận thấy và vô hình”, những bí ẩn của trái đất, của vũ trụ ngài chỉ giảng cho một số môn đồ chọn lọc, các vị La-hán (Arhats). Những vị La-hán này được ngài diểm đạo ở hang động động Saptaparna (Thất Diệp) gần núi Baibhar. Động này ở thành Rajagriha (Vương-xá), thủ đô cổ xưa của Vương quốc Mogadha (Ma-kiệt-đề) và cũng là động Cheta của Đức Fa-hian (Pháp-hiển), mà một vài nhà khảo cổ đã đưa ra giả thuyết.

Thời gian và trí tưởng tượng của con người đã làm những triết lý này biến đổi, nó bắt đầu đánh mất sự thuần khiết khi theo chân các vị La-hán trên đường truyền đạo. Chắc hẵn khi được đưa vào Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hay Miến Điện (Burmah), các bậc Thánh nhân này đã tùy vào căn cơ của các vị đạo đồ, ở mỗi vùng đất khác nhau mà có sự chắt lọc cần thiết. Vì vậy, làm thế nào mà tìm thấy được triết lý tinh khiết ban đầu, khi mà nền tảng “Phật giáo bí truyền” đã được canh tân trong một gương mặt tôn giáo hoàn toàn mới. Đó là các trường phái Phật giáo có mặt ở Trung Quốc, hay các nước Phật giáo khác; kể cả khá nhiều trường phái ở Tây Tạng, nơi được các vị Lạt-ma (Lamas) chưa hề được điểm đạo và các nhà cải cách Mông Cổ sáng lập.

Vì vậy, người đọc cần ghi nhớ sự khác biệt rất quan trong giữa Phật giáo chính thống – tức là các giáo lý công truyền của Đức Phật, và Phật giáo bí truyền. Tuy nhiên, giáo lý bí truyền của Đức Thích Ca không khác với giáo lý của những đạo sĩ Bà-la-môn được điểm đạo cùng thời với ngài. Đức Phật là cư dân của chủng tộc Ấn-Âu (Aryan), một người Hindu chính tông, một giai cấp vương tộc (Kshatrya), và đệ tử của những vị được “sinh ra hai lần trong đời” (những người Bà-la-môn được điểm đạo) hoặc Dvijas (những người đặc biệt được hưởng quyền ưu đãi của Bà-la-môn). Do đó, giáo lý của ngài không thể khác với giáo lý của họ, vì toàn bộ cuộc cải cách để hình thành Phật giáo chỉ cốt đưa ra bên ngoài một phần các giáo lý chỉ dành cho các vị Bà-la-môn được điểm đạo và những nhà tu hành khổ hạnh. Vì phải giữ lời hứa, nên Đức Phật không thể dạy tất cả những gì đã đã được truyền đạt, mặc dù triết lý của ngài được dày công xây dựng trên nền tảng thực hành khoa huyền bí. Ngài chỉ đưa ra thế gian phần xác, còn phần hồn tinh túy ngài giữ lại và truyền cho các môn đồ ưu tú. Trong các học giả Đông Phương, nhiều người Trung Quốc đã từng nghe nói tới “tâm pháp” (Soul Doctrine), nhưng không ai hiểu được tầm quang trọng của nó.

Các giáo lý này được giữ gìn vô cùng cẩn mật, bên trong những thánh đường vắng lặng và hiểm trở. Sự bí mật này cùng với nguyện vọng tìm đến Niết Bàn (Nirvana) đã kích thích sự tò mò của những học giả nghiên cứu về nó, thế nhưng họ không tìm được đáp số của bài toán học búa này, và giải quyết nhanh gọn nó bằng cách tuyên bố: Niết Bàn có nghĩa là “sự hủy diệt tuyệt đối”.

3

Vào cuối thế kỷ XIX này, một trào lưu văn học mới xuất hiện trên thế giới, đó là những bài báo về các cuộc khảo cứu tôn giáo được khoát dưới lớp áo khoa học, của những nhà ngữ học Bắc Phạn, những nhà Đông Phương học nói chung. Họ nói về Ấn Độ Giáo, Ai Cập giáo, và các tôn giáo cổ xưa khác bằng cách suy đoán mơ hồ qua những câu chuyện thần thoại; khiến cho người đời chỉ tin tưởng vào cái thô thiển bên ngoài mà đánh mất bản chất tốt đẹp bên trong. Các tác phẩm này được chú ý nhờ sự suy đoán tài tình, phô trương lòng tôn sùng tính dục và biểu tượng dương vật hơn là vì học thuật chân chính.

Đây có lẽ là lý do thực sự, tại sao một vài phát thảo về chân lý căn bản của giáo lý bí truyền cổ xưa được phép truyền ra công chúng, sau hàng nghìn năm dài nằm trong im lặng. Tôi nói “một vài chân lý”, một cách thận trọng, bởi vì còn hàng trăm điều thâm sâu nhất cần phải được giữ lại, nó không thể truyền đạt trong thời điểm hiện nay, khi mà phong trào cuồng tín cực đoan (Sadducees) đang phát triển mạnh. Nhưng vài điều được đưa ra như thế là tốt lắm rồi, còn hơn phải chịu im lặng hoàn toàn, nhất là với các chân lý thật sự quan trọng.

Thế giới ngày nay, trong cơn điên cuồng chạy về phía vật chất, nơi mà con người nhầm lẫn rằng, đó chính là mục đích cao nhất của mình. Nhưng mọi rắc rối đã xảy ra, khi nó trở thành đấu trường, một thung lũng thật sự cho sự bất hòa và xung đột triền miên cho Thánh-linh (phần hồn) của chúng ta. Những thế hệ sau này, cứ thế, ngày càng tê liệt và suy nhược. Vì thế “những kẻ mất đức tín và trụy lạc” – cách nói của Greeley – không ưa gì sự hồi sinh những chân lý trong quá khứ, mà chỉ có một số ít môn sinh mới được tiếp cận. Cho dù đó là mười năm trước đây, khi quyển “Nữ thần Isis lộ diện” được xuất bản, hay là trong thời điểm tác phẩm này ra đời, với nhiệm cố gắng giải thích vài điều bí truyền đã được phổ biến.

Một trong những sự phản đối quan trọng nhất, là thiếu tin tưởng vào nguồn gốc của những đoạn Thánh-kinh (Stanzas) được trích dẫn trong quyển sách này. Dù rằng, phần lớn các đoạn trích đó được lấy từ các tác phẩm Bắc Phạn, Trung Quốc và Mông Cổ; một vài nhà nghiên cứu Đông Phương học cũng biết những quyển kinh này, nhưng nó hoàn toàn không tồn tại ở các thư viện châu Âu. Như cuốn “Thiền định chân kinh” (Book of Dzyan), thì không một nhà nghiên cứu nào biết đến, thậm chí chẳng bao giờ nghe nghe nói tới cái tên này. Tất nhiên, đấy là sự thiệt thòi cho ai muốn nghiên cứu theo phương pháp khoa học, nhưng đối với các môn đồ bí giáo thì nó chẳng có mấy ý nghĩa. Một vài giáo lý của quyển sách này đã được rút ra, nằm rải rác trong hàng trăm nghìn bản thảo tiếng Phạn; nhưng đáng tiếc rằng nó bị bóp méo bởi cách diễn giải tầm phào. Do đó, độc giả có cơ hội xác minh và kiểm chứng từ các đoạn văn có nguồn gốc ở trên. Một vài giáo lý khác từ trước đến nay đều được khẩu truyền, nó hiện diện trong nền văn học thánh điện của những người Bà-la-môn, Trung Quốc và Tây Tạng.

Cho dù có nhận được những lời chỉ trích ác tâm đi nữa, tác giả vẫn chắc chắn rằng. Những môn sinh của một số trường phái bí truyền, ở bên kia sườn núi Hy-mã-lạp-sơn, nhưng nơi đào tạo đệ tử có thể tìm thấy ở Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, thậm chí ở cả Syria, cũng như bên Nam Mỹ. Những nơi này cũng có sở hữu các bộ kinh sách thiêng liêng về triết lý bí truyền. Bởi vì, kinh sách này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, có khi trình bày bằng ngôn ngữ tượng hình, bảng chữ cái Cadmus và ngôn ngữ điển từ của thần linh (Devanagari).
4
Kể từ khi thư viện Alexandria (Ai Cập) bị phá hủy, đã có nhiều nổ lực của thành viên hội Brotherhoods bỏ ra để tìm kiếm các kinh sách còn sót lại. Họ từng tuyên bố rằng, có lần đã tìm thấy tất cả những quyển sách bị tiêu hủy, ngoại trừ ba bản sao của một trong quyển thánh kinh này đã được gìn giữ an toàn ở những nơi khác. Một trong những nơi đó là Ấn Độ, bản quý giá cuối cùng được giấu kín trong triều đại của hoàng đế Akbar (1556-1562).

Họ khẳng định, một trong những kinh sách đó được chép ra mà không hoàn toàn dùng ẩn ngữ hay ký tự tượng hình nào cả. Ban đầu nó được mã hóa để tránh những cặp mắt tò mò, những kẻ không phận sự, kể cả các nhà cổ tự học thông minh nhất. Đến thời Hoàng đế Akbar thì nó được hủy bỏ và chép lại bằng Phạn ngữ, nhưng vài vị cận thần cuồng tín của đức vua không ưa thói tò mò tọc mạch đầy tội lỗi của ngài đối với các quyển kinh của kẻ ngoại đạo. Vì vậy, họ đã giúp những người Bà-la-môn che giấu bản thảo này; như ông Badaoni còn công khai bài tỏ sự ghê tởm với đức vua, vì ngài đã tỏ ra quá say mê ngoại giáo. [1]

Còn có giả thuyết cho rằng, những đạo viện (lamasaries) giàu có khi xây dựng nơi để ẩn tu (gonpa), hay thánh điện (lakhang) trên các ngọn núi, họ không quên đào những địa đạo sâu thẳm bên trong lòng đất hay tận dụng các thạch động chằng chịt làm thư viện. Chính ở những địa điểm như vậy, chẳng hạn như ở miền Tây Tsaydam, trong những con đường hiểm trở của đèo Kuen-lun (Tây Tạng), các kinh sách được lưu giữ một cách an toàn. Dọc theo triền núi Altyn-Tagh (Tây Tạng) – nơi chưa có người châu Âu nào đi tới – có vài ngôi nhà ẩn trong hẻm núi sâu, chính xác là một thôn. Ở đó có một ngôi chùa nghèo và vị Lạt-ma già ẩn tu. Những du khách từng đi chiêm bái về kể rằng: bên trong ngôi chùa đó, dưới những căn hầm ở lòng đất có chứa nhiều kinh sách, nhiều đến nổi mà theo họ ước lượng ngay cả Viện bảo tàng Anh Quốc còn không đủ chổ chứa.

Những giả thuyết này dễ làm cho người ta cười cợt và ngờ vực. Nhưng trước khi độc giả nào định bài bác nó, thì xin hãy ngừng lại và theo dõi tiếp các sự kiện đình đám về khảo cứu tôn giáo trong thời gian gần đây. Bắt đầu là các cuộc khảo sát quy mô lớn của những nhà Đông Phương học, cho đến những công trình khảo cứu của các học giả ngôn ngữ học; họ đều thống nhất kết luận rằng: một số lượng lớn các kinh sách hiện nay được xác nhận là có nguồn gốc cổ xưa, nhưng trong quá trình khảo cứu người ta cho biết, không còn tìm thấy dấu vết của bản gốc. Nếu đây là các loại sách bình thường thì có lẽ chẳng ai màn tới, và nó sẽ bị phủ lớp bụi thời gian cho đến khi không còn đọng lại chút gì trong trí óc con người. Nhưng khốn thay, nó lại là chìa khóa để hiểu đúng các tác phẩm còn tồn tại đến bây giờ. Bởi vì, những sách còn lại này chỉ là những trích đoạn rơi rớt và được người đời sau chắp vá. Cho nên phần lớn người đọc chẳng hiểu nó nói đến điều gì nếu không có lời bình kèm theo; đến ngay cả các học giả, mỗi người lại có một cách lý luận khác nhau, chẳng ai chịu ai.

Một ví dụ rõ ràng trong trường hợp nan giải này là các kinh sách của Lão Tử (Lao-tse). Tương truyền đương thời ngài đã viết đến 930 quyển kinh về Đạo Đức và Tôn giáo, 70 quyển về cách luyện pháp thuật, tổng cộng là khoảng một nghìn quyển. Nhưng kinh điển nhất vẫn là Đạo đức kinh (Tao-te-ching) – như một “Thánh kinh của Lão Giáo” (cách nói của Stanislas Julien), quyển này chỉ có khoảng 5.000 chữ, chiếm chưa tới 12 trang giấy. Nhưng giáo sư Max Muller nhận thấy rằng “nó thật khó hiểu nếu không có lời bình kèm theo, đến nỗi mà ông Julien khi có ý định dịch tác phẩm này phải tham khảo ý kiến hơn 60 nhà nghiên cứu” (Le livre de la Voie et de la Vertu -1842), trong đó bản luận cổ nhất xuất hiện vào khoảng năm 163 – TCN.

Nếu tính từ thời điểm Lão Tử viết quyển Đạo Đức Kinh (thế kỷ thứ 6 TCN) cho đến sự xuất hiện bản luận cổ nhất (năm 163 – TCN), thì đã hơn 4,5 thế kỷ. Trong ngần ấy thời gian là quá đủ để người ta giấu bớt giáo lý của ông, ngoại trừ các cao đồ được điểm đạo. Một vài người Nhật đã từng là môn đồ thông thái của Lão Tử, và họ còn lưu giữ trong tay các học thuyết bí truyền của Lão giáo, họ cười nhạo các học giả Trung Quốc và Phương Tây đã ngây thơ tin vào các văn bản hiện tại. Theo họ, đó chỉ là phần công truyền, những bài luận nhằm mục đích che đậy, còn lời bàn thật sự từ lâu đã biến mất khỏi những đôi mắt phàm tục.

Bây giờ chúng ta điểm lại các kinh văn cổ của người Do Thái (Semite), người Chaldean (vùng Irad hiện nay), nếu chúng không được Thánh kinh Moise (Mosaic Bible) ghi lại thì ngày nay chúng ta chẳng có gì để tìm kiếm. Và khi đó, các nhà nghiên cứu chỉ có đôi dòng về lịch sử tôn giáo của thành Babylon, chu kỳ quan sát thiên văn kỳ lạ của các Pháp sư (magi) người Chaldean, hay chút ít tư liệu về nền văn học huyền bí của họ. Vì thực tế thì số kinh sách đó chỉ còn rời rạc vài đoạn, mà nghe nói là được bộ luận của tu sĩ Berosus (người Chaldean) trích dẫn.

Tuy nhiên, tác phẩm này gần như vô giá trị, cho dù có dùng để dò tìm manh mối về nguồn gốc số kinh sách đã thất truyền. Bởi vì, nó đã qua bàn tay của Giám mục Caesarea – người tự cho mình quyền kiểm soát và in ấn các bản kinh của các tôn giáo khác – và chắc chắn rằng, cho đến ngày nay bút tích của ông ta vẫn còn đó. Vậy thì, bộ luận nói về tôn giáo vĩ đại ở Babylon đã có từ đâu?

Tu sĩ Berosus (mục sư của đền thờ Belus) viết bộ luận này bằng tiếng Hy-lạp và dâng nó cho Alexander Đại đế. Trong tác phẩm này, ông Berosus trích một số đoạn trong quyển kinh nói về Chiêm-tinh-học, quyển kinh này được bảo quản trong đền thờ Belus trong một thời kỳ đến 200.000 năm, nhưng hiện giờ đã thất lạc. Vào thế kỷ thứ I – TCN, Alexander Polyhistor (học giả Hy Lạp, sống ở Rome) đã trích lục nhiều đoạn trong bản kinh này, nhưng cũng bị mất. Sau đó đến Giám mục Eusebius (270-340) – Palestine – đã dùng những đoạn trích này để viết cuốn niên sử (Chronicon) của mình. Nhưng ông Eusebius với vai trò là người tuyên truyền cho tôn giáo mới, cảm thấy các điểm tương đồng cùng bản sắc giữa kinh sách của người Do Thái và người Chaldea là điều nguy hiểm cho Kinh Thánh Do Thái. Và dĩ nhiên kinh sách của người Chaldea đã bị hô biến.

Bằng cách sử dụng giản đồ Manetho (sử gia Ai Cập – khoảng 250 TCN), nhiều nhà nghiên cứu đã nhìn thấu sự thật bên trong. Nhà khảo cổ Bunsen tố cáo Eusebius là kẻ cắt xén lịch sử vô cùng nhẩn tâm; còn Socrates thì nói, ông ta là gã thợ rèn lịch sử táo bạo và liều lĩnh.

Vì vậy, ngoài những bản kinh sót lại đầy mơ hồ như trên, tất cả các kinh văn khác của người Chaldea đã hoàn toàn biến mất khỏi những đôi mắt phàm tục, y như số phận Châu Atlantis bị tàn phá không còn chút dấu vết nào. Sau này, một vài sự kiện lịch sử được khôi phục, người ta còn hiểu biết thêm về những vị Thiên thần sa đọa (Fallen Angels) được nhân cách hóa như là Bel và Dragon.

——

[1] Badaoni viết trong quyển Muntakhab at Tawarikh:

“Hoàng Đế của chúng ta thích thú với tôn giáo của những kẻ ngoại đạo, những loại ngoại giáo này nhiều vô số kể và kinh sách của thì không tài nào đếm hết được… Bọn họ (những kẻ Sramana và Bà-la-môn) vượt qua người khác nhờ đã học được các bộ luận về đạo đức, về khoa vật lý và tôn giáo, có sự hiểu biết về tương lai, quyền lực tinh thần, cách hoàn thiện con người. Họ chứng minh được bằng chứng cớ và dựa trên lý luận, đến nỗi chân lý của họ vững như bàn thạch. (Ain i Akbari, translated by Dr. Blochmann, p. 104, note.)

5

Và giờ chúng ta tiếp tục khảo sát đến phần kinh sách của người Ấn Âu (Aryan), các kinh Phệ Đà (Veda). Các nhà Đông Phương học đều biết, kinh Veda bao gồm 8 bộ, trong đó các bộ đáng chú ý là: Rig-veda, Sama-veda, Yajur-veda, Atharva-veda, và Brahmanas. Riêng bộ quan trọng nhất là Rig-Veda chỉ chứa “khoảng 10.580 câu thơ, hoặc 1.028 bài thánh ca”. Còn kinh Brahmanas có nhiều bản luận và chú giải nhất, nhưng dù vậy, cho đến ngày nay không phải ai cũng hiểu được nó một cách chính xác. Vì để hiểu đúng những câu thánh ca nguyên thủy nhất, cần phải có chìa khóa, nhưng tiếc rằng các nhà Đông Phương học của chúng ta chưa tìm ra được nó.

Còn Phật giáo thì sao? Trong thời gian qua các học giả viết gì về giáo lý Phật giáo? Họ có đầy đủ các bản kinh sách này không? Chắc chắn là không. Mặc dù người ta đã biết, có tới 325 quyển kinh Kanjur và Tanjur, chúng cân nặng tổng cộng từ 4-5 cân Anh; nhưng họ lại không biết gì về Lạt-ma-giáo (Lamaism). Hay kinh Saddharma-alankara có 29.368.000 chữ (nếu không kể lời bình và chú giải), nhiều hơn 5 đến 6 lần quyển Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo (Bible). Chỉ với hai tập kinh Kanjur và Tanjur, trong quá trình dịch “các dịch giả thay vì trình bày nguyên bản, nhưng lại xen vào những lời bình của họ nhằm biện minh cho trường phái của mình” (Buddhism in Tibet – E.Schlagintweit), làm cho độc giả không được tiếp cận vấn đề cốt lõi của nó. Hơn nữa, theo truyền thuyết được lưu truyền ở Nam và Bắc Tông cho biết, giáo điều thiêng liêng của Phật giáo nguyên thủy có 80.000 hay 84.000 bài kinh ngắn, nhưng hầu hết đã không tìm thấy và chỉ còn lại khoảng 6.000 bài – như hiện nay. Theo cách hiểu của người Châu Âu như thế là thất truyền, còn đối với các tông đồ Bà-la-môn hay Phật giáo thì không ai kết luận có chuyện đó.

Theo mức độ tín ngưỡng của những tín đồ Phật giáo, những dòng viết về Thích Ca, hay Chánh Pháp (Good Law) luôn được họ tôn sùng, và đáng lẽ ra các kinh sách này phải được giữ gìn cẩn mật mới đúng. Thế nhưng việc để mất gần 76.000 bài kinh ngắn như thế quả thật là kỳ lạ. Tuy nhiên, khi điểm lại tiến trình lịch sử Phật giáo, ta thấy trong thời điểm bị đàn áp tín ngưỡng tại Ấn Độ bởi người Hồi Giáo (Vua Al-Mahdi; triều đại Abbasad; 775-785) và phải tiến hành cuộc di cư ra khỏi vùng đất phát tích này, chắc là họ đã đánh mất một phần kinh sách. Nhưng cũng cần phải nói rõ, trước đó các vị La-hán đã bắt đầu cuộc truyền đạo vào khoảng năm 300 TCN [1]. Sau đó, các cao đồ khác đã đến các vùng đất Trung Quốc (hiện nay) vào khoảng năm 61 (Reverend T. Edkins, “Chinese Buddhism.”) để truyền bá tín ngưỡng ra bên ngoài vùng Kashmir và Hy-mã-lạp-sơn. Vì vậy, với các học giả Phương Đông, họ không bao giờ nhìn nhận với người Phương Tây, có chuyện kinh Phật bị thất truyền. Bởi họ tự hào có đủ khả năng để gìn giữ gìn pho kinh thiêng liêng nhất của mình, những người nước ngoài “vô cùng cao siêu” không đời nào tiếp cận được, với lý do đơn giản, cần phải cách ly các giáo lý thượng thừa của họ để tránh bị lợi dụng và bêu rếu.

Từ dữ kiện lấy được từ các nhà Đông Phương học, tác giả nhận thấy: (a) Các học giả nghiên cứu về tôn giáo cổ thực sự có rất ít dữ liệu để đưa ra kết luận chính xác vấn đề, sau cùng họ đánh giá kết quả theo chiều hướng có lợi cho tín ngưỡng của mình. (b) Việc thiếu hụt tư liệu đó không thể ngăn cản họ độc đoán hóa (dogmatising) tín điều.



[1] Một tu viện Phật giáo được dựng lên tại núi Kailas vào năm 137 TCN, và Tướng Cunningham nói rằng còn lâu hơn nữa. Lassen, (“Ind. Althersumkunde” Vol. II, p. 1,072).
6
Người ta nghĩ rằng, nhờ vào các tài liệu về Thần hệ và bí pháp của người Ai Cập – được viết trong các kinh văn cổ – thì các nghi lễ và tín điều của các vị vua (Pharaonic) Ai Cập sẽ được hiểu rõ; ở mức độ nào đó, ít ra chúng cũng dễ hiểu hơn các triết lý cao siêu, hay thuyết phím thần của Ấn Độ [1]. Thế nhưng, giữa sưu tầm và tiến trình giải mã là hai công việc hoàn toàn khác nhau.

Trên đất nước Ai Cập ngày nay, dọc theo dòng sông Nile và cả phần đất liền, người ta đang tiến hành rầm rộ các cuộc khai quật khảo cổ, các di tích mới liên tục được tìm thấy, nhiều điều mới mẽ bắt đầu lộ diện. Sự kiện này chứng tỏ nơi đây đã từng có một lịch sử hùng hồn, đến nỗi các nhà khảo cổ học ở Viện Đại hoc Oxford cũng phải thốt lên:

“Ngoài các Kim tự tháp mà chúng ta trông thấy kia, còn có những tàn tích sót lại từ đền thờ và mê cung. Những bức tường nguyên vẹn được chạm khắc chữ tượng hình và hình vẽ lạ lùng về các nam nữ thần. Trên các cuộn giấy cói không hề bị thời gian tàn phá, là những bản kinh rời rạc còn rõ nét. Mặc dù với các cổ vật thu được, chúng ta có thể giải mã được phần nào bí mật của dân tộc này, song động lực nào để người Ai Cập tôn sùng lễ nghi đến như thế, vấn đề này chắc còn lâu chúng ta mới hiểu hết.”

Ở đây, sự kiện này một lần nữa gợi tiếp cho ta vấn đề cần suy nghĩ, các văn bản chữ tượng hình đã tìm thấy, nhưng chìa khóa giải mã thì mất tăm.

Thật vậy, các nhà khảo cổ có vẽ đã biết quá ít về những lễ nghi tang lễ của người Ai Cập và dấu hiệu bên ngoài để nhận biết sự khác nhau giữa đàn ông đàn bà qua xác ướp, đôi khi các nhầm lẫn này rất ngô nghê. Trong thời gian cách đây khoảng một hoặc hai năm, sai lầm kiểu này đã xãy ra tại Boulaq (Cairo). Trong lần nghiên cứu về một xác ướp vừa khai quật được, các nhà khảo cổ nhận xét đó là xác của một người đàn bà, vợ của một vị Pharaon tầm thường. Tuy nhiên, sau đó nhờ việc đọc được một chữ ghi trên lá bùa đeo cổ của xác chết, người ta mới vỡ lẽ, đó chính là xác của Sesotris, một vị Đại Đế của Ai Cập.

Tuy nhiên, phải thấy rằng “có điểm chung giữa ngôn ngữ và tôn giáo” của các dân tộc từng tồn tại trên địa cầu này. Đó là, từng có một tôn giáo chung của người Ấn Âu (Aryan) trước khi có sư ly khai của chủng tộc này, từng có chung một tôn giáo của người Semite (Tây Á hiện nay) trước khi họ tách rời nhau ra, hay sự phân chia của người Turanian (Ba Tư) trước khi có sự phân ly của người Trung Quốc và các bộ tộc khác thuộc lớp người Turanian. Do chỉ tìm được “ba trung tâm tôn giáo cổ” và “ba trung tâm ngôn ngữ cổ”, nhưng lại hoàn toàn không biết gì về nguồn gốc nguyên thủy của nó, các vị này (ở Viện Đại hoc Oxford) cũng không ngần ngại tuyên bố: “chúng ta đã tìm được một cơ sở nền tảng lịch sử thực sự, và đây là tiền đề cho các cuộc thảo luận khoa học bàn về các tôn giáo chính trên thế giới”.

Nhưng “cuộc thảo luận” của các nhà khoa học không hề gia tăng thêm giá trị cho “cơ sở nền tảng lịch sử”, khi mà với sự khan hiếm các dữ liệu trong tay, cho dù là các nhà nghiên cứu lỗi lạc đi nữa, không ai có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận của riêng mình. Dù sao thì các nhà nghiên cứu này đã chứng minh rất khoa học, và làm đa số người thỏa mãn. Họ cho rằng, theo Định luật phát âm của Grimm, thì Đức Odin (một vị thần Bắc Âu cổ) và Đức Phật là hai người khác nhau. Và sau đó họ lại tuôn một mạch, Đức Odin được tôn sùng như một vị thần tối cao trong một thời gian dài, còn trước cả thời đại kinh Veda và kinh Homer (Hy Lạp cổ). Về điều này thì họ không ban cho “nền tảng lịch sử” chút giá trị nào, mà ngược lại còn bắt nó phục vụ cho “kết luận” của mình. Cho dù phương pháp đó nó tỏ ra vẽ khoa học, nhưng chất lượng thì xa rời thực tế.

Những quan điểm trái ngược nhau về vấn đề niên đại của kinh Veda của các nhà nghiên cứu lỗi lạc như Martin Haug, Max Muller, là chứng cớ để ta nói rằng các nghiên cứu này không làm lợi ích cho “nền tảng lịch sử”. Loại “bằng chứng bên trong” này thay vì làm ngọn hải đăng dẫn dắt cái trí đến chổ sáng, nhưng rốt cuộc thì chỉ là ngọn đèn lồng kéo tụt người ta vào nơi mờ ảo. Và cũng không có sự cải tiến mới lạ nào trong cách lý luận của những người nghiên cứu thần thoại qua kinh sách, để có thển giảm bớt chút ít sự sai lầm. Khi họ yêu cầu phải có “những bản kinh rời rạc được cho là tiết lộ về tổ tiên loài người”, được bảo quản trong trong các ngôi đền ở Hy-lạp và Italy, vì đây là những gì các bậc được điểm đạo Đông Phương công bố cho công chúng biết. Tuy nhiên, một vị Đại Đức người Tích Lan quả quyết với tác giả, mọi người điều hiểu rằng các kinh ngắn quan trọng thuộc giáo điều thiêng liêng của Phật giáo được tàng trữ ở nhiều nơi, tại những vùng đất mà người châu Âu không thể tiếp cận. Với Bà-la-môn giáo, cố Đại Đức Dayanand Sarasvati cũng cho biết, các kinh sách quan trọng của họ không thể nào để rơi vào tay người ngoài.

Khi nghe tin giáo sư Max Muller tuyên bố với thính giả của mình trong bài diễn thuyết rằng, “chả có bao nhiêu người ủng hộ cái lý thuyết, có sự ẩn tàng của lực lượng siêu nhiên đứng phía sau loài người”, thì nhiều nhà hiền triết đã phì cười. Một trong các vị Bà-la-môn này nói, “Nếu ông Moksh Mooller – người nói phát âm – là một người Bà-la-môn, và đến gặp tôi, tôi có thể đưa ông ấy đến hang động Gupta (một hang động bí mật) gần Okhee Math, ở dãy Himalaya. Ở đây chẳng cần lâu, ông ta sẽ tìm ra rằng những gì mà các Kalapani (Ấn Kiều) mang từ Ấn sang Âu Châu chỉ là những mảnh nhỏ so với pho kinh sách đồ sộ của chúng tôi. Đấy chỉ là những tiết lộ đầu tiên và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, và tất nhiên là các Mlechchhas (người nước ngoài ở Ấn) phải chờ đợi”.

Khi được hỏi thêm về sự kiện tiết lộ kinh sách này, thì ông không nói thêm điều gì nữa. Cuộc nói chuyện này xảy ra tại Meerut (Ấn Độ) vào năm 1880.

Trong thế kỷ vừa qua, tại Calcutta, những người Bà-la-môn có vẽ gian xảo khi lừa gạt Đại tá Wilford và Sir William Jones, nhưng những người này phải nhận kết quả như thế âu cũng do chính hành vi của họ. Theo sự thổ lộ của Sir William Jones (xem Asiat Res.., Vol I, trang 272), thì Đại tá Wilford quan niệm, các vị thần Brahma, Vishnu và Mahesa của người Bà-la-môn không khác gì Thượng-đế-ba-ngôi của Thiên chúa giáo. Điều này khiến những người Bà-la-môn này đã làm giả các bảng kinh cổ và đưa cho ông Wilford, họ chép các đoạn kinh cũ Purana bằng ngôn ngữ Bắc Phạn cổ trên những lá buôn, và xào nấu nội dung theo cách hiểu của ông Wilford về các vị thần của họ.

Đó là một bài học hay, và cảnh tỉnh các học giả nghiên cứu Đông Phương học, cũng như đã làm một vài người hổ thẹn. Nhưng nó đã làm cho kết quả nghiên cứu đi đến chiều hướng lầm lạc khá nhiều. Sự ham muốn nồng nhiệt đầy dục vọng kiểu như Đại tá Wilford đã tạo nên thị trường giả kinh sách cổ, đáp ứng nhu cầu của phái đoàn truyền giáo. Hay là đây là việc làm đầy toan tính của họ với mục đích xuyên tạc rằng, kinh Purana nói về Đức Krishna có được nhờ đạo văn Kinh Thánh Do Thái. Nhưng sau đó, các giáo sư Đại học Oxford trong bài luận “Khoa học và tôn giáo”, có nói đến câu chuyện kinh giả nổi tiếng và việc này đã làm ông Đại tá Wilford buồn phiền. Cần phải chấp nhận rằng những người nghiên cứu lịch sử chân chính không thể can thiệp để làm thay đổi lịch sử. Cho dù nếu đi theo chiều hướng kết luận của ông Wilford, để thấy kinh Tân Ước và Cựu Ước không hề vay mượn từ kinh sách Bà-la-môn và Phật giáo; thì không thể suy ra là kinh Do Thái chưa hề vay mượn kinh Chaldea, chính Eusebius đã cắt xén những cuốn kinh của người Chaldea.

Đối với người Chaldea, chắc chắn người thầy đầu tiên của họ là người Bà-la-môn. Các công trình nghiên cứu của ông Rawlinson cho thấy có sự ảnh hưởng không nhỏ của kinh Vệ Đà trong truyện thần thoại Babylon. Và từ lâu Đại tá Vans Kennedy cũng chứng minh, Babylonia từng là đất của người Bà-la-môn, vì có sự ảnh hưởng của nền giáo dục Ấn với Phạn ngữ. Nhưng tất cả những bằng chứng như vậy đã phải lung lay với thuyết của giáo sư Max Muller. Nó là những gì mà mọi người đã biết. Các qui tắc về ngữ âm trở thành dung môi chứng minh có sự liên kết “bà con họ hàng” giữa các vị thần linh trên thế giới. Đức mẹ của thần Mercury (Budha, Đức Thot- Hermes) là Maia; mẹ của Đức Phật (Gautama) là Maya; mẹ của Chúa Jesus cũng là Maya (vì Mary là Mare, nghĩa là biển cả, ảo tưởng lớn)… Nhưng theo “quy tắc về luật phát âm” của nhà ngữ học Bopp thì chẳng thể có bất cứ sự liên quan nào về cách phát âm như trên.

Với nỗ lực nhằm kết nối nhiều sự kiện đã xảy ra thành trang lịch sử mới chưa từng được ghi nhận, đó là một việc làm táo bạo, nhưng táo bạo đến mức mà phủ nhận những chi tiết không ăn khớp với kết luận của họ, thì nó trở nên liều lĩnh quá mức.

Trong khi người ta ngàng càng khám phá ra nền nghệ thuật, chữ viết và sự hiểu biết khoa học đã tồn tại từ xa xưa, nhưng cũng không thể ngăn cản họ ghi nhận những dân tộc này vốn là man rợ. Những vết tích về nền văn minh lớn thời tiền sử, từng tồn tại ngay vùng Trung Á vẫn còn tìm thấy rải rác. Dù chỉ với chút ít bằng chứng, cũng không thể phủ nhận sự tồn tại nền văn minh đó. Và liệu với một nền văn minh như vậy, làm gì có chuyện không có chữ viết, không có văn học, hay văn hóa? Sự đứt đoạn về sử liệu là do có những nước từng bị tiêu diệt trong quá khứ. Toàn thể vùng cao nguyên Tây Tạng được vây quanh những bức tường núi liên tục, từ thượng lưu dòng sông Khuan-Khe xuống đến đồi Kara-Korum, đã là nhân chứng cho nền văn minh suốt năm nghìn năm, và nơi đây chứ nhiều bí mật lạ kỳ để kể cho nhân loại.

Miền Đông và Miền Trung của vùng này – Nan-Schayn và Altyne Taga – xưa kia có nhiều thành phố lớn cỡ Babylon. Một thời kỳ địa chất biến động đã đi qua nơi đây, những vụ sụt lở cát đã chôn vùi vài thành phố, sau đó vùng đất này biến thành sa mạc khô cằn rộng lớn, có tâm tính từ lưu vực sông Tarim. Du khách đa phần mới đặt chân đến vùng đất này, nếu vượt qua những đồi cát sẽ tìm thấy những vùng cao nguyên có nước, sự sống đang tồn tại và phát triển ở đó. Những nơi như thế này, chưa có một người Âu Châu nào từng đi tới. Vài nơi trong số các ốc đảo đó, ngay cả các cư dân bản địa cũng không cách nào xâm nhập được. Nơi đây thường xuyên có những trận bão cát có thể “xé nát sa mạc và quét sạch những gì trên đường chúng đi qua”; vì vậy các thư viện được đào sâu dưới lòng đất và lối vào là các ốc đảo, trong điều kiện như vậy các kinh sách luôn được lưu giữ an toàn, kể cả các cuộc chiến tranh đã từng cào nát vùng này.

“Người ta không nhìn thấy một hồ nước, một bụi cây, một ngôi nhà nào, và chung quanh là những dãi núi tạo nên địa hình lồi lõm, dựng lên xung quanh bãi xa mạc nóng boảng và khô khan…”

Nhưng cũng không cần khuyến khích độc giả tiến sâu vào bãi sa mạc mênh mông này, chỉ cần đi tới vài nơi có người sinh sống, rồi ta cũng sẽ tìm ra dấu tích nền văn minh cổ còn sót lại ở đây. Như ốc đảo Tchertchen, nằm khoảng 4.000 feet trên mực nước của sông Tchertchen-D’arya, được bao quanh bởi tàn tích đổ nát của một đô thị xa xưa. Dân cư ở đây vào khoảng 3.000 người, nhưng lại thuộc nhiều chủng tộc khác nhau, trong đó có những chủng tộc mà các nhà nhân chủng học chưa hề biết đến và không biết phân loại họ vào đâu. Các cư dân này tượng trưng cho tàn tích của chừng 100 giống dân, của 100 nước không còn tồn tại nữa, ngay chính cả những người này họ cũng không biết tổ tiên mình là ai. Một vài bộ tộc thì nói, tổ tiên của họ là những người đầu tiên được cai trị bởi những vị thần (genii) vĩ đại của sa mạc. Điều này có thể được gọi là mê tín hay vô minh, tuy nhiên theo quan điểm của Giáo lý bí truyền, câu trả lời có thể tìm thấy trong truyền thuyết về thời kỳ sơ khai. Duy nhất chỉ có bộ lạc Khoorassan cho rằng mình có nguồn gốc từ vùng Afghanistan (ngày nay), và có trước cả thời Alexander, họ tin vào điều này nhờ dựa vào những câu truyện thần thoại mà bộ tộc còn lưu giữ. Đại tá Prjevalsky, một người Nga, đã tìm thấy những di tích đổ nát của hai thành phố cổ khá gần với ốc đảo Tchertchen; theo truyền thuyết địa phương, một thành phố bị phá hủy cách đây khoảng 3.000 năm, bởi những người anh hùng khổng lồ; còn thành phố kia bị người Mông Cổ tàn phá vào thế kỷ thứ X.

“Các cuộc biến động địa chất và thiên tai xảy ra ở đây như chuồi cát hay bão cát, đã làm đô thị này trồi lên những cổ vật kỳ lạ từ dưới lòng đất. Các loại đồ sành sứ, đồ dùng nhà bếp bị vỡ, và cả những bộ xương người. Những người bản xứ còn tìm thấy những đồng tiền bằng kim loại bạc hoặc đồng, những thỏi bạc được nấu chảy, và cả các kim loại quý như kim cương và ngọc thạch. Nhưng đáng chú ý nhất là những mảnh kính vỡ, các cái quan tài bằng loại gỗ không hề bị hư mục, bên trong là xác ướp được giữ gìn rất tốt… Những xác ướp đàn ông thường rất cao lớn, cường tráng, với mái tóc dài dợn sóng. Người ta còn tìm thấy một hầm mộ có 12 xác chết đang ngồi trong đó. Trong một lần khác họ còn tìm được một xác chết của một thiếu nữ. Người này được chôn cất trong tình trạng đôi mắt được bịt bằng những cái đĩa hình tròn bằng vàng, và một cái kiềng vàng gắn chặt hai bên hàm, chạy dài từ dưới cằm lên tận đỉnh đầu. Trên người xác chết là bộ y phục đan bằng len chật ních, những ngôi sao bằng vàng đính trên ngực, còn đôi bàn chân thì không mang gì cả” (Bài diễn thuyết của N.M.Prjevalsky).

Về điều này Prjevalsky còn tiết lộ thêm, dọc theo cuộc hành trình sông Tchertchen, ông còn nghe những truyền thuyết nói rằng ở đây có khoảng 23 thành phối bị chôn vùi đã vài nghìn năm. Ở vùng Kerya, các cư dân của họ cũng có cùng câu chuyện như vậy.

Những vết tích của nền văn minh, và những truyền thuyết được lưu truyền trong cộng đồng, cho chúng ta thêm quyền tin tưởng vào một giả thuyết khác, giả thuyết của những người có đạo đức và học thức. Đó là, người ta đã khai quật được các thư viện dưới lòng sa mạc, một số lượng lớn các kinh sách đã tìm thấy và dĩ nhiên hiện giờ chúng đang cất dấu ở nơi an toàn.

Tóm lại, Giáo lý bí truyền là triết lý của một tôn giáo duy nhất được phổ biến khắp nơi trong thế giới cổ đại thời tiền sử. Các bằng chứng về sự khuếch tán này, như các tài liệu về lịch sử của nó mà chúng ta đang có vinh hạnh tiếp cận, còn một nguồn khác lớn hơn đang nằm khắp nơi dưới lòng đất, và giáo lý của các vị Chân sư đang được bảo quản trong các tàng thư ở các giáo phái.

Các thuyết trên sẽ đáng tin cậy thêm nếu những giả thuyết sau đây được các học giả nghiên cứu kỷ càng: Đó là câu chuyện hàng nghìn mảnh da thuộc dùng để ghi sách, đã được cứu thoát khỏi thư viện Alexandria trước khi nó kịp bốc cháy. Hay hàng nghìn quyển kinh chữ Phạn đã biến mất dưới triều đại vua Akbar; còn Trung Quốc hay Nhật Bản thì có truyền thuyết phổ thông nói rằng, hàng nghìn quyển luận kinh cổ từ lâu đã không còn trong tay kẻ phàm phu; sự biến mất của nền văn học minh triết huyền bí của thành Babylon. Hay Sự đánh mất chìa khóa để giải mã chữ tượng hình của người Ai Cập, kinh Veda của người Hindu, kinh viết về giáo lý của Đức Phật.

Các nhà huyền môn khẳng định rằng, tất cả các tài liệu hiên nay vẫn còn phải được bảo vệ, tránh sự cướp đoạt và hủy hoại của người da trắng. Đâu đó, vào thời kỳ sáng sủa hơn trong tương lai, những tài liệu này rồi sẽ trở về với loài người, như lời Đại Đức Dayanand Sarasvati từng nói. Hiện nay, những tài liệu này tạm “thất truyền” đối với đa số người, bởi lòng ích kỷ và dục vọng sẽ là mối nguy cho nhân loại, nếu họ có nó trong tay. Chỉ vài người có linh hồn tiến hóa cao mới nhận được ân huệ này, nhưng không ai trong số họ được tiết lộ nó ra ngoài, nếu chưa được phép.

Những đệ tử huyền môn sơ cấp thường hay nêu thắc mắc, chúng tôi hiểu được nhu cầu phải bảo vệ những bí mật quan trọng của tôn giáo, thế nhưng liệu có nguy hiểm nào khi chúng tôi muốn tiếp cận về triết học, đơn cử như là biết được sự tiến hóa của những dãy hành tinh.

Sự nguy hiểm là như thế này: Ví dụ như học thuyết về chuỗi bảy hành tinh, bảy chủng tộc, và bảy luân xa của con người. Vì mỗi luân xa liên quan đến một cõi, trong một cõi thì luân xa này có những huyền năng thần bí phi thường. Bất kỳ sự tiết lộ nào cũng dẫn đến manh mối, để người ta tìm mọi cách nghiên cứu hay thực nó, nhằm đạt đến những cảnh giới cao hơn. Nếu đó là một kẻ phi đạo đức, hắn sẽ gây tội ác với nhân loại, nhất là đối với người phương Tây ưa chuộng vật chất và vô minh.

Đúng là những giáo lý này được che dấu, nhưng kiến thức cơ bản và sự tồn tại thực sự của nó không bao giờ bị các vị Đạo sư giữ riêng mình, các vị luôn khuyến khích đệ tử tuân thủ giới luật, và thực hành để đạt đến sự toàn thiện. Nó đã từng được tiết lộ từ giai đọa này sang giai đoạn khác trong quá khứ, và ở cả thời điểm hiện tại nữa. Đó là các vị Chân sư như Đức Pythagoras, Plato, những môn đồ của phải tân Plato, hay tôn giáo của người Nazarenes.

Hơn nữa, có một sự kiện nổi tiếng xảy ra ở Nga mà tác giả cũng được biết đến. Một vị giáo sĩ giúp việc trong Tòa đại sứ Nga cho biết, trong thư viện Hoàng gia St Petersburg đã ghi, có một nhà thần bí học người Nga đã tìm cách đi Tây Tạng, vượt qua rặng núi Ural để tầm sư học đạo trong những ngày mà người Âu Châu chưa biết gì về vùng Trung Á này. Tới thời điểm hiện nay, đã có những hội như Freemasonry và Secret về thần bí học mọc lên tự do ở Nga. Điều này chứng tỏ, có nhiều người Nga đã đến Tây Á tìm đạo và có người trở về với kiến thức thần bí phong phú, nhiều hơn những gì mà dân các nước Châu Âu khác biết đến. Có nhiều trường hợp mà tác giả có thể kể ra tên tuổi, nhưng e rằng sự vội vàng của mình sẽ làm phiền lụy đến thân nhân các vị được điểm đạo đã qua đời. Để kiểm chứng điều này, độc giả nên đến các thư viện ở Nga và tìm hiểu lịch sử của hội Freemasonry, nó sẽ xác tín điều tác giả nói.

Nhiều độc giả thường đặt cùng một câu hỏi, liệu Thông Thiên Học có phải là một tôn giáo mới không? Tuyệt nhiên không, chúng tôi không phải là sáng lập viên hay tín đồ của một tôn giáo mới nào cả và giáo lý Thông Thiên Học cũng chẳng phải là giáo lý mới. Một vài giáo lý mà chúng tôi đưa ra không phải mới được công bố lần đầu, mà nó đã được đức Ragon thuyết giảng nhiều lần ở Âu Châu.

Nhiều học giả có chung nhận đình là, chưa bao giờ có một nhà sáng lập tôn giáo đích thực nào, dù là người Aryan, người Semit hay là người Turanian. Những vị được coi là giáo chủ của các tôn giáo này, họ chỉ là người truyền bá, họ có cách thuyết pháp thu hút tín đồ; những giáo lý mà họ nói, nó có từ khi có nhân loại. Như vậy, trong buổi bình minh của loài người, chân lý này đã được các vị Đạo sư truyền khẩu và gìn giữ trong các Thánh điện, chỉ có các bậc cao đồ dùng thần nhãn mới nhìn thấy nó. Sau này, các giáo lý này được phân ra và được mã hóa cho mỗi vùng đất khác nhau. Như Legge nhận định, Đức Khổng Tử dứt khoát là một nhà truyền pháp, chứ ông không phải là người sáng tạo.

Chính Đức Khổng Tử đã nói, “Tôi chỉ là người truyền đạt, chứ tôi không lập ra điều gì mới cả. Tôi tin tưởng ở người xưa và vì vậy, tôi kính mến họ”.

Tác giả cũng kính mến họ, cho nên tác giả tin tưởng vào các vị thánh nhân này và những lời minh triết của các ngài. Và hiện giờ tác giả cũng làm cái nhiệm vụ tương tự như thế, nghĩa là ở vị trí của người truyền đạt. Còn những ai bác bỏ điều này, thì tác giả cũng chấp nhận ý kiến của họ, vì cả hai có quan điểm khác nhau. Nhưng theo phong cách của nhà nghiên cứu, họ phải bác bỏ dựa trên những luận điểm mang tính phản biện, chứ không phải là kiểu công kích ác ý.

Những điều được nói đến trong quyển sách này được tập hợp từ các giáo lý truyền khẩu và các kinh sách cổ. Phần mở đầu là những đoạn Thánh kinh của một dân tộc mà chưa có nhà nhân chủng học nào biết tới, nó sử dụng thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ và không được khoa học chấp nhận, ngôn ngữ điện từ. Nhưng cũng phải mất nhiều thế kỷ nữa những bí mật này mới hoàn toàn mở với đa số nhân loại, còn trong hiện tại và thời gian tới, từng chút ít vấn đề nhỏ sẽ được tiết lộ.

(hết phần giới thiệu)


Thư Viện Cao Đài Đại Đạo
tại Đức    
Thơ      Video     Thư Viện 1          3     4     5
Germany   English     Francais     Nhạc    Tin Tức