CAO ÐÀI GIÁO Trong TAM KỲ PHỔ ÐỘ 




NGŨ CHI MINH ĐẠONGŨ CHI ĐẠI ĐẠO

           NGŨ CHI MINH ĐẠO là những CHI thuộc Cơ Đạo xuất phát từ Ấn Độ và Trung Hoa vào Việt Nam đóng góp vào
        Cơ Đại Đạo trong Tam Kỳ Phổ Độ.

        
NGŨ CHI ĐẠI ĐẠO là năm cấp bực tu trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

http://caodaigiaoly.free.fr//NguChiMinhDaoVaNguChiDaiDao.jpg
                                                                                                              hình vẽ: Hà Phước Thảo

Trích CAO ÐÀI TỪ ÐIỂN thì Ngũ Chi Minh Đạo gốm có:

Ngũ Chi Minh Đạo:

  • 五支明道

Ngũ: Năm, thứ năm. Chi: chia ra, nhánh. Minh: sáng, cũng có nghĩa là nhà Minh bên Tàu. Đạo: tôn giáo.

Ngũ Chi Minh Đạo là năm nhánh Đạo có tên khởi đầu bằng chữ MINH, có nguồn gốc từ nhà Minh bên Tàu.

Ngũ Chi Minh Đạo gồm: Minh Sư, Minh Đường, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Tân.

Ngài Định Pháp Nguyễn Minh Thiện, Chủ trưởng chi Minh Lý (Tam Tông Miếu) có viết bài giới thiệu như sau:

"Trong năm chi, hai chi đầu: Minh Sư và Minh Đường đã ra đời trước năm 1924 có đến mấy trăm năm.

Chi Minh Sư xuất hiện ở Trung Hoa vào khoảng năm 1650 hoặc 1670, nghĩa là sau khi nhà Minh bị nhà Thanh (gốc Mãn Châu) lật đổ. Các cựu thần nhà Minh vì thất bại trong cuộc vận động khôi phục nhà Minh, đã từ hẳn cuộc đấu tranh chánh trị, mà đi vào con đường tu hành, êm đẹp hơn, an toàn hơn, và lại hiệp với Thiên cơ hơn (nhờ phò cơ thỉnh Tiên, biết được vận số nhà Minh đã hết, nhà Thanh còn dài). Các cựu thần ấy được gọi là di thần nhà Minh, bèn khoát áo đi tu, dựng lên một mối đạo tu Tiên (tu đơn) mệnh danh là Minh Sư.

Sau khi du nhập vào Việt Nam, các vị Lão Sư đạo nầy, vì nhu cầu địa phương, và cũng để tránh sự nghị kỵ của nhà cầm quyền Pháp-Việt thời đó, đã lấy tên Minh Đường (có nghĩa là phái tu tại gia), phái ấy cũng được người nước ta gọi là phái Phật Đường.

Nên nhớ rằng, danh từ Minh Sư ngầm chỉ mối đạo của các di thần nhà Minh, mà mối đạo ấy, theo nhà cầm quyền Pháp-Việt thời đó là một cuộc vận động phản "Thanh phục Minh" trá hình.

Như vậy, Minh Sư có tánh cách chánh trị, khi được gọi là Minh Đường thì phái tu Tiên nầy khỏi bị nghi ngờ nữa và đã truyền cách thức phò cơ thỉnh Tiên cho người Việt Nam khắp ba Kỳ: Bắc, Trung, Nam.

Vậy, trước năm 1924, có gần mấy trăm năm, một thiểu số người nước ta, nhứt là các đạo sĩ tu Tiên và các Nho sĩ, thỉnh thoảng thiết đàn phò cơ thỉnh Tiên, hoặc để học đạo, hoặc để xin thuốc trị bịnh nan y, hoặc để hỏi về tiền đồ của thí sinh trong các cuộc thi cử theo lối xưa.

Từ năm 1918-1919 trở về sau, phong trào cầu cơ đã lan tràn ra khắp nơi trong toàn quốc. Tại Sài Gòn, một số người mộ điệu thường tụ nhau lại để lập đàn cầu cơ thỉnh Tiên, hoặc ở chùa Ngọc Hoàng (Đakao) hoặc ở Miểu Nổi (Gò Vấp).

Sau vì có Cụ Lê Văn Trung, Cựu Nghị Viên Hội Đồng Quản Hạt và Hội Nghị Tư Vấn Nam Kỳ Soái Phủ dự vào phong trào nầy, vì thế mà có sự nghi kỵ, và nhóm cầu cơ duy nhất nói trên đã chia làm ba: chi Minh Lý, chi Minh Thiện, và chi Minh Tân, có những sắc thái riêng biệt tùy xu hướng của mỗi chi."


Sau đây là bài sưu khảo về Ngũ Chi Minh Đạo trích trong bài nói chuyện của Huệ Nhẫn tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo:

1. Minh Sư:

Vào thời vua Tự Đức, Ngài Đông Sơ Tổ Sư, từ bên Tàu sang VN, lập tại Hà Tiên một ngôi Quảng Tế Phật Đường. Ngôi chùa nầy do ông Ngô Cẩm Tuyền đứng ra xây dựng. Ông Tuyền tu hành đến bậc Đại LãoSư (đạo hiệu Ngô Đạo Chương).

Năm 1905, Ngài Ngô Đạo Chương về Sài Gòn tạo dựng ngôi Ngọc Hoàng Điện (Đakao), công việc chưa hoàn tất nhưng vì lý do kinh tế nên phải sang nhượng đi.

Một vài năm sau, bổn đạo Minh Sư tại đây lập ngôi Quang Nam Phật Đường. Ngài Thái Lão Sư Trần Đạo Minh qua VN cầm mối đạo một thời gian, sau đó trở về La Phù Sơn (Hồng Kông). Thái Lão Sư Vương Đạo Thâm thay mặt Ngài Trần Tây Lâm Tổ Sư điều hành mối đạo tại đây.

Quang Nam Phật Đường (số 17 đường Trần Quang Khải, Quận I) hằng năm vẫn lấy ngày giỗ Thái Lão Sư Vương Đạo Thâm (30 tháng 4 âl) làm ngày kỷ niệm.

Ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại 3 chi nhánh đạo Minh Sư, tạm gọi là 3 tông:

- Tông Đức Tế: Nhánh của Thái Lão Sư Vương Đạo Thâm, có một số chùa như: Quang Nam Phật Đường, Khánh Nam Đường (Bình Thạnh), Nam Nhã Đường (Bình Thủy, Cần Thơ), Mỹ Nam Đường (Mỹ Tho), Vận Bửu Đường (Gò Công), Nam Tôn Đường (Hội An), Hòa Nam Đường (Đà Nẵng),....

- Tông Phổ Tế: Nhánh của Thái Lão Sư Trần Đạo Quang, có một số chùa như: Linh Quang Đường (Hốc Môn), Long Hoa Đường (Cai Lậy), Phổ Hòa Đường (Mỹ Tho),....

- Tông Hoằng Tế: Nhánh của Thái Lão Sư Lâm Đạo Nguơn (thường được biết với bút danh Lâm Xương Quang), có một số chùa như: Quan Âm Đường (Thâm Nhiên, Long An), Quang Âm Đường (Thị xã Tân An), Trọng Văn Đường (Bình Điền),....

Toàn nước Việt Nam có trên 50 ngôi chùa Minh Sư. Ngôi chùa được kể đầu tiên (bên trên) là Tổ đình của Tông ấy.

Chánh điện chùa Minh Sư thờ Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và chư Phật, chư Tiên (hoặc thờ tượng, hoặc bài vị, tùy nghi), tụng kinh Ngọc Hoàng Tâm Ấn, Bắc Đẩu Chơn Kinh, Địa Mẫu Chơn Kinh.

Pháp tu Minh Sư rất nghiêm mật, muốn tu tiến, hành giả phải khép mình trường trai tuyệt dục.

* Bên phái nam có 9 bậc tu, từ thấp lên:

- Nhất thừa gồm 3 bậc: Nhất, Nhị, Tam Bộ.

- Nhị thừa gồm 4 bậc: Thiên Ân, Chứng Ân (chữ Minh), Dẫn Ân (chữ Xương), Bảo Ân (chữ Vĩnh).

- Tam thừa gồm 2 phẩm: Lão Sư (chữ Vận) và Đại Lão Sư (chữ Đạo).

Tất cả các vị Lão Sư và Đại Lão Sư đồng công cử một vị làm Chưởng môn gọi là Thái Lão Sư.

* Bên phái nữ có 7 bậc, đạo danh được ban từ đầu không đổi. Phẩm cao nhất có chữ Thái, nhưng pháp tu chỉ cở bậc Bảo Ân ở phái nam.

Đệ tử Minh Sư mặc đạo phục màu đen.

GHI CHÚ:

- Quan Âm Đường ở Phú Quốc, nơi Ngài Ngô Văn Chiêu thọ giáo pháp Cao Đài thuộc Tông Hoằng Tế. Đại Lão Sư Nguyễn Đạo Ngưỡng (năm nay 83 tuổi) hiện trụ trì Quan Âm Đường (Tân An) cho biết khi ông còn nhỏ, có lần đã ra Phú Quốc hộ tịnh cho Thái Lão Sư Lâm Đạo Nguơn (Lâm Xương Quang).

- Một số bài Kinh nhật tụng của Đạo Cao Đài và ngay của chi Minh Lý có gốc từ Minh Sư như: Bài Ngọc Hoàng Kinh và ba bài xưng tụng Tam Giáo Đạo Tổ, bài Niệm Hương (Đạo gốc bởi ...) và bài Khai Kinh (Biển trần khổ ...) của Minh Lý cũng do Đức Thái Thượng và Nam Cực Chưởng Giáo tả lại quốc ngữ theo kinh Minh Sư.

2. Minh Đường:

Nhiều sách viết rằng tên Minh Đường là do viết gọn từ "Minh Sư Phổ Tế Phật Đường", nhưng chưa rõ mức chính xác của các tài liệu nầy. Các vị tu Minh Sư hiện nay hầu như không biết đến chi Minh Đường.

Danh hiệu Minh Đường được tìm thấy trong TNHT và sử liệu do chư tiền khai Đạo Cao Đài để lại, dùng để chỉ bổn đạo nơi Vĩnh Nguyên Tự thuở mới qui nhập Đạo Cao Đài.

Một số Thánh Ngôn và sử liệu điển hình như:

1. Trong TNHT, quyển 1 trang 29 có đoạn:

Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc) Samedi, 21 Aouât 1926.

Lịch, mời chư môn đệ Minh Đường của Thầy ra nghe dạy......

(Lịch là Ngài Lê Văn Lịch, Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt, chủ chùa Vĩnh Nguyên)

2. Trong quyển Thánh Ngôn (viết tay) do Ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh lưu lại có đoạn Thánh ngôn ngày 16-3-1926:

Trung, Cư, Tắc, Thầy dặn ba con nội hạ tuần tháng 2 phải xin nghỉ một tuần lễ, xuống ở chùa Minh Đường của Lịch mà học Đạo thêm.....

3. Ngày 4-3-1926 (âl 20-1-Bính Dần) trong buổi lập đàn đầu tiên tại Vĩnh Nguyên Tự, Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long giáng điển báo tin chư môn đệ biết, Ngài đã đắc vị: Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn. Ngài khuyên bổn đạo địa phương và gia đình qui nhập Cao Đài. Xin trích ra một đoạn Thánh giáo trên:

LÊ VĂN TIỂNG.

Lịch thính ngã, Ngã thị nễ phụ, thọ mạng Cao Đài Tiên Ông viết Cao Đài Thượng Đế giáo đạo nam phương.

Tiên nhựt, Ngã thọ giáo Minh Đường. Đại Đạo thị chi nhứt dã. Ngọc Đế cảm xúc công quả thậm đa, bất lưu luân hồi tái thế, phú Thái Ất Chơn Quân độ dẫn, thọ sắc Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn tại Tây Phương Cực Lạc.

4. Thân mẫu của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu mãn phần ngày 28-8-1926, lúc nầy Đạo mới mở, chư tiền khai chưa rõ cách làm lễ tang Đạo hữu nên thiết lập đàn cơ cầu Ơn Trên chỉ dẫn. Hôm ấy, Thầy giáng dạy:

Trung, con tức cấp xuống Cần Giuộc biểu Tương về, và cả chư môn đệ Thầy hội lại cho đủ mặt. Phải nhớ biểu Lịch lên, nói với nó, Thầy cần 4 vị Chức sắc Minh Đường cầu kinh cho Mẹ Hậu.

Bốn Thánh giáo trên, Ơn Trên đều dùng tên Minh Đường để chỉ Vĩnh Nguyên Tự. Và do tôn chỉ, pháp tu, kinh kệ, phẩm trật,.... của chư vị Lão Sư Minh Đường tại Vĩnh Nguyên Tự đều không khác Minh Sư, cho nên, không nghi ngờ gì nữa, Minh Đường là một phân nhánh của Minh Sư. Có lẽ sự khác biệt là do gốc Đạo truyền qua VN vì rằng Đức Di Minh Tử Ngô Đạo Chánh, người truyền đạo Minh Đường cho Ngài Lê Văn Tiểng (Thái Lão Sư Lê Đạo Long) năm 1876 không thấy có tên trong các tiền bối Minh Sư truyền đạo buổi đầu.

Nay Vĩnh Nguyên Tự là một ngôi Thánh Thất của Đạo Cao Đài, tên Minh Đường không còn nghe nói nữa.

3. Minh Lý:

Ngài Âu Minh Chánh (1896-1941) thế danh là Âu Kiệt Lâm, khoảng năm 1920, muốn tìm hiểu về nhân điện nên đã gởi mua tài liệu bên Pháp. Ngài nghiên cứu và học được cách chữa bịnh, giúp bá tánh địa phương. Nhiều bệnh nhân trong cơn hiểm nghèo được trị lành, lúc ấy, Ngài đang ở đường Barbier (nay là Thạch Thị Thanh), hợp tác với nhiều thân hữu làm từ thiện, dần dần chư vị phát tâm tin tưởng thiêng liêng. Ngài Âu Kiệt Lâm cùng vài người bạn tìm đến một vị cao tăng bên Tàu qua, đang giảng pháp tại chùa Minh Hương Phước An Hội Quán (đường Hùng Vương), học cách cầu Huyền cơ hầu tiếp xúc với cõi Thiên. Do cách cầu Huyền cơ đòi hỏi phải thật nghiêm cẩn nên ít thành công, chư vị chuyển sang tìm học cách cầu Đại Ngọc cơ.

Từ năm 1922, Ơn Trên hướng dẫn quí vị đi dần vào đường tu. Buổi đầu ấy, chư tiền khai Minh Lý Đạo gồm 6 vị:

Nguyễn Văn Miết (Minh Thiện) (1897-1972)
Nguyễn Văn Xứng (Minh Giáo) (1891-1957)
Lê Văn Ngọc (Minh Truyền) (1887-1965)
Võ Văn Thạnh (Minh Trực) (? - 1976)
Nguyễn Văn Đề (Minh Đạo) (? - 1961)
Âu Kiệt Lâm (Minh Chánh) (1896-1941).

Các vị luân phiên nhau tổ chức cúng tại nhà vào các kỳ sóc vọng, tạm dùng vài bài kinh Minh Sư (Niệm Hương, Khai Kinh, Ngọc Hoàng Kinh,...) bằng chữ Hán Việt. Một lần chư vị có than cùng nhau: "Nghĩa lý chữ Nho rất cao sâu, lời Thần Tiên để lại trong kinh sách bấy lâu nay, người đời ít ai thông hiểu những điều mầu nhiệm. Chớ chi Ơn Trên cho kinh bằng chữ quốc âm, dầu bực nào cũng dễ hiểu và thực hành được."

Chẳng ngờ Ơn Trên chấp nhận lời cầu xin nầy.

Đức Thái Thượng Đạo Quân trong lần giáng cơ sau đó dạy rằng: "Chư nhu tụng kinh chữ không thông nghĩa lý, nên ta cho kinh nôm, kinh nầy vắn tắt, cũng tiện cho chư nhu đọc."

Đêm 27-11-Giáp Tý (dl 23-12-1924) [năm, tháng, ngày, giờ đều thuộc Tý] Minh Lý Đạo khai minh.

Trước đó một ngày, vào ngày 22-12-1924, nhằm ngày Đông chí, nhứt dương sơ phục, Đức Thái Thượng giáng tả bài "Tặng Thiên Đế" (diễn nôm từ bài Đại La Thiên Đế). Nhiều bài kinh khác (gốc Minh Sư hay Kinh mới) đều được chư Thiên tiếp tục ban cho bằng quốc ngữ, thí dụ như:

- Ngày 11-1-1925, Đức Thái Thượng Đạo Tổ cho bài Thông Minh Chú (gốc là bài Cửu Thiên Đại La: Thân phi bạch y.... của Minh Sư).

- Ngày 21-6-1925, Lý Thiết Quả cho Kinh Thái Dương.

- Từ ngày 19-4-1925 đến 21-11-1925, qua nhiều buổi đàn, Đức Đạo Tổ, Phật Nhiên Đăng, Phật Quan Âm, Nam Cực Chưởng Giáo, v.v.... tả bài Kinh Sám Hối.

Sau khi Kinh Sám Hối ban xong, Đức Văn Tuyên Vương dạy chư Minh Lý môn sanh rằng, trong khi chưa tạo dựng được nơi cúng lễ riêng, cần tạm mượn một ngôi chùa để làm chỗ tụ tập lễ bái, tu học, tụng các bài kinh mà Ơn Trên đã ban.

Chư vị sau đó được vị Giáo Thọ trụ trì chùa Linh Sơn Tự (đường Cô Giang) vui lòng cho mượn chùa làm nơi lễ bái Trời Phật, tụng Kinh Sám Hối. Cũng chính do mượn chùa, các Đạo hữu phải tránh các ngày Sóc Vọng, nhường cho gia chủ, nên lệ cúng hằng tháng vào các ngày 14 và 30 âm lịch.

Từ đó, Minh Lý môn sanh quyết tâm xây dựng một ngôi chùa riêng. Nhờ ông Trần Kim Ký hiến đất vùng Bàn Cờ, (lúc ấy trước chùa chỉ là con hẻm đất, sau mới mở thành đường Cao Thắng) cùng quí Bà: Ba Ngỡi, Huỳnh Thị Ngôn,.... giúp một phần tài chánh.

Ngày 10-8-1926, chùa đặt viên đá đầu tiên. Chùa gác đòn dông ngày 15-9-1926 và đến cuối tháng 1 năm 1927 thì việc xây dựng hoàn tất.

Ngày 2-2-1927 khai buổi cúng đầu tiên tại chùa mới.

Như vậy, Minh Lý môn sanh đã mượn chùa Linh Sơn Tự từ tháng 9-1925 đến tháng 2-1927.

Chùa cất xong, Đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng ban hiệu chùa là Tam Tông Miếu. Qua hai đợt trùng tu năm 1941 và 1957, Tam Tông Miếu có dáng như ngày nay.

  • Tam: là Tam thể đồng nhứt, Tam giáo đồng nguyên.

  • Tông: là thừa kế, tiếp nghiệp của Tổ truyền.

  • Miếu: là tòa ngự của các Đấng thiêng liêng tại thế.

Chánh điện của Tam Tông Miếu thờ Tam Cực:

  • Vô Cực (Diêu Trì Kim Mẫu)

  • Thái Cực (Ngọc Hoàng Thượng Đế)

  • Hoàng Cực (Hồng Quân Lão Tổ)

Cấp thứ nhì thờ Tam Giáo Đạo Tổ.

  • Cấp thứ ba thờ Tứ Đại Bồ Tát.

  • Cấp thứ tư thờ Ngũ Vị Tinh Quân,

  • cùng nhiều bàn thờ khác từ trong ra ngoài.

Năm 1972, bổn đạo Minh Lý phát triển thêm ngôi Bát Nhã Tịnh Đường ở Long Hải (chuyên để luyện tu).

Đến nay, chư Minh Lý môn sanh, với đạo phục màu đen truyền thống, tiếp tục hành đạo theo giáo lý và giáo pháp đã được truyền dạy từ xưa. Nhiều môn sanh mới đã gia nhập Minh Lý Thánh Hội, kế thừa mối đạo Tam Tông. (Xem thêm chi tiết nơi chữ: Minh Lý, vần M)

4. Minh Thiện:

Từ trước năm 1915, một nhóm nhân sĩ thường họp mặt tại chùa Quan Đế, thị xã Thủ Dầu Một (nay trên đường Hùng Vương) để cầu cơ thỉnh Tiên. Cách thức cầu cơ theo Minh Sư (phò Đại Ngọc cơ). Tại đây, chư Thiên giáng dạy về thời cuộc và cho thuốc trị bệnh, có nhiều lời tiên tri rất linh hiển.

Điều lạ là ông Nguyễn Văn Trượng làm đồng tử thường ngày không biết chữ, nhưng mỗi khi phò ngọc cơ, ông viết ra toàn chữ Nho, chữ viết rất thông thái, càng làm cho đạo tâm quanh vùng thêm tin.

Đến khoảng năm 1915, ông Trần Hiển Vinh (1884-1962) được Tổ phụ truyền lại ngôi chùa nầy. Do chùa đã xưa cũ, trên 100 năm, nhiều chỗ hư mục, nên ông cho tu sửa lại, mở rộng chánh điện ra phía trước, xây dãy nhà ngang, lót gạch toàn bộ nền chùa (phần gạch tàu cũ đem lót ngoài sân) và làm con ngựa Xích Thố đặt trước cổng. Do vậy, dân chúng gọi đây là chùa Ông Ngựa.

Xen lẫn những buổi hầu cơ có luận việc đời, việc đạo, thiêng liêng thường ban ơn chữa bịnh cho bá tánh, nên tên đàn Minh Thiện có từ lúc nầy.

Nhiều vị đạo tâm tích cực hành đạo như các ông: Trần Phát Đạt (anh ông Vinh), Lê Văn Hơn, Trần Duy Khánh, Lê Ngọc Lăng, Phan Văn Tý (1888-1962).

Chùa Minh Thiện thờ Đức Quan Thánh Đế Quân, tụng Minh Thánh Kinh, nhưng tại đây cũng có rất nhiều tượng chư Bồ Tát, Phật Tổ,...

Sau khi đồng tử Nguyễn Văn Trượng mất, cơ bút đã bế, nhưng khách hành hương vẫn tấp nập và rất thành tín.

Tiếp đến năm 1963-1964, khi ông Trần Hiển Vinh qua đời, do đã tham gia tích cực và có nhiều uy tín, ông Trương Kế An làm quản lý chùa. Ông cho thượng Thánh Tượng Thiên Nhãn và dùng kinh Cao Đài cúng thường ngày, lấy tên là Thanh An Tự. Được vài năm, ông bị bệnh và giao chùa cho bổn đạo địa phương quản lý, thờ Đức Quan Thánh lại như xưa.

Có một số sự tích liên quan giữa Minh Thiện và Cao Đài:

a) Với Ngài Ngô Minh Chiêu:

Năm 1902, Ngài Ngô còn trẻ (25 tuổi) chưa biết đạo nhưng đã có tâm thành. Nghe đồn Tiên gia linh hiển, lại muốn cầu thọ cho thân mẫu, Ngài Ngô lên hầu đàn Minh Thiện. Hôm ấy, Ngài được Ơn Trên ban cho 4 câu thơ:

Thủ bôi vị lễ diệt khả thông,
Trung dung hữu đạo thị tâm không.
Đắc vọng kỳ sự giả thân du,
Minh phong khả đối dữ thành công.

Đến năm 1919, do thân mẫu lâm bệnh nặng, Ngài Ngô có lên đàn Minh Thiện cầu thuốc, nhưng Ơn Trên lộ cho biết bà cụ vận số sắp hết. Ngày 15-11 năm ấy, bà cụ từ trần.

Nhờ nhiều lần hầu đàn Minh Thiện, biết rõ cách cầu cơ, nên khi thiêng liêng dạy chư vị ở Tân An thay đổi từ chấp bút qua Đại Ngọc cơ, Ngài Ngô dễ dàng chấp hành.

b) Với nhóm Xây bàn:

Buổi đầu thông công với các Đấng thiêng liêng, quí Ngài Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang dùng phương pháp xây bàn theo sách Pháp. Cũng như nhóm chấp bút của Ngài Ngô Văn Chiêu, Ơn Trên đã ban lệnh cho quí Ngài chuyển qua sử dụng Đại Ngọc cơ cho được nghiêm túc và thông linh hơn.

Khiến sao ông Phan Văn Tý (một vị trong Ban Cai quản đàn Minh Thiện) là bạn Ngài Cao Quỳnh Cư, lại ở gần nhà. Ông Phán Tý đã cho mượn và hướng dẫn nhị vị Phạm Công Tắc và Cao Quỳnh Cư phò Đại Ngọc cơ thuần thục. Buổi phò cơ đầu tiên của chư vị nhằm Lễ Hội Yến Bàn Đào (rằm tháng 8 năm Ất Sửu).

c) Với chi Minh Tân:

Ông Lê Minh Khá là Xã trưởng Vĩnh Hội. Do bệnh ngặt nghèo, ông lên hầu đàn Minh Thiện, được Ơn Trên ban thuốc uống lành. Sau đó, thiêng liêng hướng dẫn ông vào đường đạo đức, lập chi Minh Tân (sẽ nói rõ hơn ở phần sau).

Như vậy, có thể nói, chi Minh Thiện có nhiều căn duyên trong buổi đầu khai nền tôn giáo Cao Đài. Tuy vậy, đàn Minh Thiện (Thanh An Tự) trở lại thờ Đức Quan Thánh như nếp xưa và không còn cơ bút.

GHI CHÚ:

- Ông Trần Hiển Vinh (1884-1962) có vợ là Đặng Thị Hường (1900-1948), nhị vị có một gái là Trần Ngọc Anh. Cô Anh lập gia đình với Phan Văn Bổn, con trai của Phan Văn Tý và bà Cao Thị Nhiều. Bà Trần Ngọc Anh hiện ngụ tại Cư Xá Lữ Gia và kế tục quản lý Thanh An Tự.

- Nhiều người kể lại rằng, khoảng năm 1964-1965, khi ông Trương Kế An xây Cao Đài Tự ở núi Cấm, có định chở tượng Ba Ông (hiện đặt trước chánh điện Thanh An Tự) về, nhưng không thể nào khiêng đi được. Thế nhưng sau nầy, lúc bổn đạo Minh Thiện sửa chùa, thay cột gỗ bằng cột bê tông, xê dịch tượng rất dễ dàng.

5. Minh Tân:

Trong Ngũ Chi Minh đạo, Minh Tân được lập cuối cùng, sau các Chi khác.

Nguyên khoảng năm 1917, ông Lê Minh Khá (1868-1946) làm Xã trưởng Vĩnh Hội, đồng thời là một doanh gia buôn bán gạo và phân bón khắp Nam Trung Bắc. Ông bị bệnh nặng, thuốc thang nhiều nhưng không khỏi. Nhờ thân hữu mách bảo, ông lên đàn Minh Thiện cầu xin và được Ơn Trên ban cho bài thuốc uống lành bệnh.

Đến năm 1920, lại có một cơn bệnh khác, và như lần trước, ông Lê Minh Khá lên hầu đàn MinhThiện xin thuốc. Lần nầy, Đức QuanThánh Đế Quân cũng ban bài thuốc trị bệnh cho ông nhưng thêm lời khuyên lo tu hành. Năm ấy ông 52 tuổi.

Tuân lời dạy của Đức Quan Thánh, ông Lê Minh Khá lập tại tư gia, số 236 quai de la Marne (nay là Nhà Văn Hóa Quận 4) một bàn thờ chư Tiên chư Phật.

Trong thời gian nầy, khiến sao thỉnh thoảng những vị khuất mặt nhập điển vào mấy em nhỏ là con cháu của ông và dạy nhiều việc linh ứng, tạo niềm tin cho cả gia đình.

Qua năm sau, 1921, ông Lê Minh Khá thọ lệnh thiêng liêng, lập ngôi Cao Thâm Đàn tại sở vườn cao su rộng trên 100 mẫu tại xã Gia Lộc, Trảng Bàng, lệnh cũng giao cho hai con trai của ông là Lê Minh Sanh và Lê Văn Trân coi sóc.

Cao Thâm Đàn thờ Tam Giáo Đạo Tổ và chư Tiên, Phật. Nơi đây thường thiết lập đàn cơ (2 đồng tử âm dương phò Đại Ngọc cơ) trị bệnh và dạy đạo đức cho dân chúng địa phương.

Năm 1922, ông Lê Minh Khá nhận lệnh Ơn Trên lập Cao Minh Đàn tại tư gia (236 Bến Vân Đồn). Cách thức thờ phượng nơi đây nghiêm túc hơn, với vòng Thái Cực, bài vị Tam Giáo Đạo Tổ và chư Phật Tiên Thánh Thần. Lúc nầy, sự tin tưởng thiêng liêng trong toàn gia đình ông Lê Minh Khá thăng tiến rõ rệt. Hầu hết mọi người đều tham gia hầu lễ Ơn Trên.

Qua năm 1923, tiếp tục có chuyển biến: Ơn Trên khuyến khích ông Lê Minh Khá mua lô đất gần nhà (cạnh bên phải số 221 Bến Vân Đồn, chùa Minh Tân hiện tại) để chuyển Cao Thâm Đàn ở Trảng Bàng về đây, lập thành ngôi Cao Tân Đàn. Lúc nầy, Cao Tân Đàn thờ đủ bài vị: Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, và chư Tiên, Phật, có thêm bàn thờ Đức Lê Sơn Thánh Mẫu. Sau khi xây dựng ổn định Cao Tân Đàn thì Cao Thâm Đàn chấm dứt nhiệm vụ.

Không lâu sau đó, Ơn Trên chuyển lệnh sáp nhập hai Đàn Cao Minh và Cao Tân thành Minh Tân Đàn. Đàn Minh Tân tạm đặt tại Cao Tân Đàn. Riêng Cao Minh Đàn trở lại thành nơi thờ phụng riêng của gia tộc họ Lê.

Như vậy, đến năm 1924 qua 1925, Đàn Minh Tân đã hình thành. Nơi đây, chư thiêng liêng giáng điển qua cơ bút, dạy đạo cho tín hữu địa phương, thâu nhận rất nhiều tín đồ vùng Khánh Hội, nhứt là người nhà và số nhân công làm việc cho gia đình ông Lê Minh Khá.

Ngày 26-9-Bính Dần (1-11-1926), tức là cận lễ Khai minh Đại Đạo ở chùa Gò Kén, Đức Thái Thượng Đạo Quân giáng tại Minh Tân Đàn dạy:

"Còn chẳng bao lâu nữa thì Tam Giáo Đạo đã ngưng lại hết, hễ ai có duyên phần thì Thầy độ lúc nầy. Vậy chư nhu phải truyền bá ra, như người nào mộ đạo thì phải cầu đạo sớm đi. Nếu muộn thì đừng trách."

Tiếp đến, Tề Thiên Đại Thánh giáng dạy phái nam:

"Mấy lời Thầy dạy con, con có nhớ chăng?... Nếu nay con hồi đầu tỉnh ngộ, chừa bớt tánh nóng thì bịnh con lần lần thuyên giảm. Thầy định ngày mồng 6 tháng 10 phải kêu hầu cả các người cho đủ mặt." (chữ Thầy ở đây là chỉ Tề Thiên Đại Thánh)

Và như vậy, vào ngày mùng 6 tháng 10 năm Bính Dần, toàn thể nam nữ tín đồ Minh Tân qui tụ về chùa cùng làm lễ Minh Thệ nhập môn vào Đạo Cao Đài. Từ đây Minh Tân trở thành một Thánh Thất của Đạo Cao Đài.

Cũng từ đây, ông Lê Minh Khá càng tăng tiến tu hành.

Sau khi mua thêm khu đất cạnh bên tổng cộng 601 thước vuông (số 221 Bến Vân Đồn hiện nay), ông tiến hành việc xây dựng ngôi chùa khang trang hơn.

Ngày 15-12-1928, ông nhận được giấy phép, ông Lê Minh Khá cho khởi công xây dựng ngôi Tam Giáo Điện Minh Tân, đến năm 1930 thì hoàn tất, khánh thành.

Lúc nầy, trên chánh điện, ngoài các bàn thờ như trước, còn có thêm bàn thờ Tề Thiên Đại Thánh (bên nam phái). Xây cất xong ngôi chùa mới, Minh Tân Đàn chấm dứt nhiệm vụ. Các bài vị thờ đưa qua lưu giữ tại Tam Giáo Điện Minh Tân.

Ông Lê Minh Khá liễu đạo ngày rằm tháng Giêng năm Bính Tuất (1946) thọ 79 tuổi, mộ phần tại Linh Xuân, quận Thủ Đức, cạnh sân banh.

GHI CHÚ:

- Ông Lê Minh Khá phối ngẫu với bà Nguyễn Ngọc Tâm (1876-1937), nhị vị có 5 người con là: - Bà Lê Ngọc Ý (1895-1941), - ông Lê Văn Vị (1898- 1945), - cô Lê Ngọc Trinh (1902-1941), - ông Lê Minh Sanh (1906-1988), - ông Lê Văn Trân (1908-1966).

Với người vợ sau tên Huỳnh Thị Cấm, có các người con là: Lê Ngọc Sương, Lê Thị Nữ, Lê Thị Liên và Lê Minh Chánh.

Riêng cô Lê Ngọc Trinh có tâm đạo từ nhỏ, không lập gia đình. Khoảng năm 1934, cô được Ơn Trên chọn vào trách nhiệm Nữ Chung Hòa, liễu đạo năm 1941, thọ Thiên phong Liên Hoa Tiên Nữ.

- Ông Lê Minh Khá và Ngài Vương Quan Kỳ (một vị tiền khai Đại Đạo) là thông gia với nhau (ông Lê Văn Trân cưới cô Vương Thanh Chi) và cùng hành đạo tích cực đến cuối đời.

- Sau khi lập thành Tam Giáo Điện Minh Tân, cách thức thờ phượng vẫn giữ nguyên như trước (lúc nầy đã qui nhập về Cao Đài), chỉ thêm Thánh Tượng Thiên Nhãn đặt phía trên cao.

Chính vì Minh Tân có thờ Tề Thiên Đại Thánh, rồi đến chuyên biến "quỉ nhập tràng" tại Gò Kén, nên các bản Thánh Ngôn Hiệp Tuyển ấn hành trong khoảng 1930 đến 1950 đều cắt bỏ ba bài Thánh Giáo dạy ở Minh Tân, gần đây mới in trở lại.

Ngũ Chi Đại Đạo:

  • 五支大道

  • A: Five religious branches of the Great Way.

  • P: Cinq branches religieuses de la Grande Voie.

Ngũ: Năm, thứ năm. Chi: chia ra, nhánh. Đại: lớn. Đạo: tôn giáo.

Đại Đạo là một nền tôn giáo lớn, chỉ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Đức Chí Tôn Thượng Đế mở ra vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, với tôn chỉ: Qui nguyên Tam giáo, Phục nhứt Ngũ chi, tức là bao gồm tất cả nền tôn giáo đã có từ trước đến nay.

Ngũ Chi Đại Đạo là năm nhánh của nền Đại Đạo.

Đức Chí Tôn có dạy rằng:

TNHT: "Vốn từ trước, Thầy lập ra Ngũ Chi Đại Đạo là: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo.

Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy Chánh giáo, là vì khi trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi.

Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau. Nên Thầy mới nhứt định qui nguyên phục nhứt."

Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nói về Ngũ Chi Đại Đạo như sau:

"Vì năm đạo phân chia làm nhơn tâm bất nhứt, nhơn loại nghịch lẫn nhau. Chí Tôn đến đặng hiệp lại một nhà, ước cho con cái của Người biết thương yêu hòa thuận.

Khi khai Thánh giáo bên Thái Tây thì Chí Tôn đã nói trước rằng: Còn nhiều chuồng chiên, Người sẽ đến đem về làm một. Lời tuyên ngôn ấy, nghĩa là còn nhiều đạo đương nuôi nấng un đúc tinh thần của con cái Chí Tôn, đặng chờ ngày Người đến hiệp chung lại một, lời ấy ngày nay đã quả.

Các chuồng chiên thiêng liêng của Chí Tôn là:

- Phật đạo thì có Bà-La-Môn, Thích Ca Mâu Ni, Pythagore giáo.

- Tiên đạo thì có Lão giáo, Dương Châu, Mặc Địch, Vạn Pháp, Bàng Môn, cho tới thầy pháp thầy phù, bóng chàng đồng cốt, vv . . .

- Thánh đạo thì Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hồi giáo.

- Thần đạo thì Trung Huê Phong Thần, Hy Lạp Phong Thần, Ai Cập Phong Thần.

- Nhơn đạo thì Socrate, Esope, Platon, v.v.... ở Hy Lạp, Khổng Tử, Mạnh Tử, Nhị Trình giáo, v.v.... chung cộng cùng cả Hớn Phong, Đường Thi, Tấn Tục tại Trung Huê từ trước.

Phật vì thương đời mà tìm cơ giải khổ,
Tiên vì thương đời mà bày cơ thoát khổ,
Thánh vì thương đời mà dạy cơ thọ khổ,
Thần vì thương đời mà lập cơ thắng khổ,
Hiền vì thương đời mà đạt cơ tùng khổ."

Trong Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn chọn các Đấng đại diện cho Ngũ Chi Đại Đạo có trách nhiệm trong thời ĐĐTKPĐ, có vẽ hình thờ trên Thánh Tượng Ngũ Chi, kể ra như sau:

  • Đức Phật Thích Ca, đại diện Phật đạo,

  • Đức Lý Thái Bạch, đại diện Tiên đạo,

  • Đức Chúa Jésus, đại diện Thánh đạo,

  • Đức Khương Thượng, đại diện Thần đạo,

  • 7 cái ngai (1 Giáo Tông, 3 Chưởng Pháp, 3 Đầu Sư) đại diện Nhơn đạo.

     

THI BÀI:

      Trong Tam giáo ba ngôi như một,
 Hình thức riêng chỉ cốt bề ngoài.
        Suy ra chơn lý không hai,
    Độ người lánh dữ, lành rày nên lo.
 
      Tôn giáo tợ con đò rước khách,
 Ai sang qua chẳng trạch giàu nghèo.
        Miễn là chí quyết noi theo,
    Đặng xa bể khổ, lên đèo thung dung.
 
      Muốn Tây Thiên trùng phùng ngôi vị,
Thì trần gian lập ý vị tha.
        Từ bi theo hạnh Di-Đà,
    Công bình, bác ái hải hà bao dung.
 
      NHƠN ĐẠO dạy Tam tùng Tứ đức,
 Ngũ thường lo đúng mực thuần phong.
        Gia đình xã hội cũng đồng,
    Noi gương mỹ tục, giống dòng Nghiêu vương.
 
      THẦN ĐẠO lập con đường phải lối,
 Phận công dân sớm tối lo tròn.
        Quan trường Tể Tướng, tôi con,
    Vẹn tròn hiếu nghĩa lòng còn thanh liêm.
 
      THÁNH ĐẠO chuộng một niềm ngay thẳng,
 Chí công bình, trong trắng tâm thành.
        Không thiên chẳng vị em anh,
    Lời ngay lẽ phải phân rành quang minh.
 
      TIÊN ĐẠO chỉ xử tình xử thế,
 Bác ái trau tập thể hòa thương.
        Yêu cùng nhơn loại bốn phương,
    Thanh nhàn thỏa chí, dặm trường ngao du.
 
      PHẬT ĐẠO dụng đường tu thanh tịnh,
 Từ bi hành nhường nhịn lẫn nhau.
        Không chê kẻ thấp người cao,
    Chẳng vì chức tước nghèo giàu phân tranh.
 
      ĐẠI ĐẠO gồm năm nhành tôn giáo,
 Kể trên đây đào tạo lọc lừa.
        Hợp thời độ thế tùy ưa,
    Hạ, trung, thượng, đủ đều vừa ý chung.
 
      Giờ Bổn sư trùng phùng đồ đệ,
 Dạy đôi điều ráng để vào tâm.
        Chung lo cứu thế lạc lầm,
    Trở về đạo đức lo tầm non Tiên.
 
      Chung sức nhau chèo thuyền Đại Đạo,
 Dầu cam go tần tảo đừng than.
        Lý chơn dặm thẳng một đàng,
    Ngày thành Đại Đạo, Thiên Hoàng điểm công.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
ÐÐTKPÐ: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.





         

Đàn Bửu Liên Đăng Tây Đức .Trang Web Phục Vụ Nhơn Loi Miễn Phí,Webmaster : Hà Phước Thảo