ĐIỀU NHIỆM MẦU CỦA SỰ SINH SẢN

(The Miracle of Birth)
Tác giả: Geoffrey Hodson

Xuất bản lần đầu tiên năm 1929

THÂN TẶNG HEATHER, ĐỨA CON ĐỠ ĐẦU CỦA TÔI, CÙNG VỚI CHA MẸ RUỘT CỦA NÓ, NẾU KHÔNG CÓ HỌ THÌ TÁC PHẨM MÀY ĐÃ KHÔNG THỂ VIẾT RA ĐƯỢC

“Hãy nâng cao những người phụ nữ trong nhân loại cho đến khi tất cả được coi là những nữ hoàng và đối với những nữ hoàng như thế, mỗi người đàn ông hãy cư xử như một vị vua sao cho tương kính như tân, mỗi người nhìn nhận vương quyền của người kia. Mong sao mỗi tổ ấm gia đình cho dù nhỏ đến đâu đi chăng nữa cũng trở thành một triều đình, mọi đứa con trai đều là hiệp sĩ, mọi đứa trẻ đều là tiểu đồng. Mong sao mọi người đối xử với nhau theo tinh thần mã thượng, tôn trọng vương quyền của nhau vì trong dòng máu của mỗi người đều có huyết thống vương tộc, tất cả đều là con của Thánh vương”.

Trích từ tác phẩm “TÌNH HUYNH ĐỆ CỦA CÁC THIÊN THẦN VÀ LOÀI NGƯỜI”.

 

MỤC LỤC

         Phần dẫn nhập của C. V. Pink

         Lời nói đầu của tác giả

PHẦN I

      Chương 1 -  Con Người

                  2 -  Một Thuyết về Chức năng Sáng tạo

PHẦN II

     Chương 3 - Thế Trí vào tháng thứ Tư

                 4 - Thể Xúc động vào tháng thứ Tư

                 5 - Quan sát Công trình của các Tinh linh Thiên nhiên

                 6 - Thể Phách và Xác phàm vào tháng thứ Năm

                 7 – Tháng thứ Sáu

                 8 – Tháng thứ Tám

                 9 – Phu nhân của ta

                 10 – Tháng thứ Tám (tiếp theo)

                 11 – Giờ phút trước khi Lâm bồn

PHẦN DẪN NHẬP

Vào lúc mà nhu cầu khẩn thiết là phải giảm bớt tử suất của bà mẹ và thai nhi ít ra đã được chú ý phần nào, rốt cuộc thì việc xuất bản quyển sách này thật là đúng lúc.

Socrate có dạy rằng “vạn sự khởi đầu nan là quan trọng nhất đối với bất cứ thứ gì mềm mỏng và ấu thơ”. Ngày nay, ngài Frederick Truby King cũng vạch ra rằng muốn cải thiện sức khỏe của loài người thì thời khoảng quan trọng nhất là 18 tháng đầu tiên (9 tháng trước khi sinh và 9 tháng sau khi sinh). Người ta càng ngày càng ngộ ra được rằng nền tảng của sức khỏe thể xác, xúc động và tâm trí đã được đặt để ngay trước khi sinh và quyển sách này soi sáng một cách thú vị cho việc đặt để nền móng ấy.

Việc nghiên cứu như thế này giúp ta hiểu rõ hơn sự sinh sản mầu nhiệm ra sao và như vậy việc xúc tiến tôn trọng tình mẹ chắc chắn là dấu ấn của những cộng đồng thật sự văn minh. Chúng đặc biệt khích lệ chúng ta tích cực dấn thân vào công trình phục vụ cho các bà mẹ và thiếu nhi.

Chúng ta nên để ý rằng quyển sách này chỉ ghi lại những điều quan sát của một trường hợp thôi và kỹ thuật này ắt gặp khó khăn sao cho những khảo cứu thêm nữa tất yếu cho thấy nó có những sai lầm về chi tiết. Song le điều này tuyệt nhiên không làm giảm giá trị của tác phẩm này.

Khi một nhà thần nhãn sánh vai cùng các nhà khảo cứu khoa học khác, chẳng hạn như ông Hodson, thì thật thú vị khi ta cần nhớ lại rằng cách đây chẳng bao lâu thiên hạ thường coi thần nhãn là tà thuật.

Có lẽ sự tiến bộ về việc thực hành thuật trị bệnh hiện nay dường như đi theo đường lối trân trọng sự sống hơn là hình tướng chứa đựng sự sống. Nếu quả thật như thế thì trong tương lai gần, nhà thần nhãn có thể phục vụ cho ta một cách đáng giá khi cung cấp kiến thức về sự vận hành nhiêu khê của Thiên nhiên và như vậy giúp ta có thể hiểu rõ thiên nhiên hơn để mà hợp tác với nó.

Tôi hi vọng rằng chẳng bao lâu nữa, ông Hodson sẽ công bố những kết quả khảo cứu thêm nữa.

C. V. Pink

Luân đôn,  1929

LỜI NÓI ĐẦU CỦA TÁC GIẢ

Bản ghi chép công trình khảo cứu bằng thần nhãn này được xuất bản với hi vọng bổ sung kiến thức tổng quát về đề tài làm mẹ làm cha bằng cách nghiên cứu nó theo quan điểm Thông Thiên Học.

Trong thời kỳ hiện nay khi chuyển tiếp từ nền văn minh cũ sang nền văn minh mới thì một trong nhiều diễn biến đang xảy ra chính là sự xuất lộ một loại hình giống dân mới. Theo giáo lý Thông Thiên Học thì những thiện nam tín nữ thuộc loại hình mới này ắt tạo thành những người tiên phong xây dựng nền văn minh mới. Thông Thiên Học dạy rằng diễn trình tiến hóa vốn hai mặt; một đằng nó cốt ở việc phát triển sự sống và tâm thức, còn đằng khác đó là sự tăng trưởng dần dần hướng về một tiêu chuẩn toàn bích về vật chất và hình tướng. Lý tưởng ra thì hai sự phát triển bổ sung này nên song hành với nhau sao cho tâm thức đang phát triển có thể tìm được vật liệu thích hợp để kiến tạo những hiện thể mà nó sẽ nhập thể vào đấy.

Nếu ta muốn chấp nhận và ứng dụng quan điểm này vào nhân sinh thì ta ắt thấy ngay tức khắc rằng thật là quan trọng xiết bao khi cơ thể của những đứa trẻ thuộc thời đại mới phải được kiến tạo bằng vật liệu tinh vi nhất; những cơ thể ấy phải được thụ thai, sinh ra và nuôi dưỡng trong những tình huống thuận lợi nhất có thể được.

Vì vậy, bổn phận và trách nhiệm của những kẻ đảm đương nhiệm vụ làm cha làm mẹ thật là rất nặng nề. Ta cần có những cơ thể thanh khiết, nhạy cảm, tinh tế và khỏe mạnh dành cho những linh hồn tiến hóa cao vốn sẽ dẫn dắt, chỉ đạo loài người xây dựng nền văn minh mới. Những cơ thể như thế chỉ có thể được tạo thành bởi những bậc phụ mẫu nào công nhận trách nhiệm của mình đối với nhân loại. Cha mẹ của những đứa trẻ thuộc thời đại mới phải được linh hứng bằng những lý tưởng tâm linh cao nhất và phải công nhận rằng quyền năng sáng tạo của con người là một thuộc tính của Thượng Đế.

Việc toan tính dùng thần nhãn nghiên cứu sự hình thành và phát triển các thể trí, thể xúc động và xác phàm của con người trong thời kỳ ở trong tử cung – tác phẩm này được viết ra nói về những kết quả như thế - cho thấy tầm quan trọng bao la trong viễn cảnh trí tuệ và tâm linh của các bậc cha mẹ.

Kết hôn và làm cha làm mẹ quả thật có bản chất là những phép bí tích; làm mẹ thật là thiêng liêng và nên được kính trọng. Con trẻ phải được sinh ra do sự kết hợp bởi linh hứng là một tình yêu sâu sắc và vị tha nhất cùng với những lý tưởng tâm linh cao nhất có thể được, bởi vì chỉ có thế mới hi vọng có được một nhân loại cao thượng hơn, được chu toàn trong tương lai ngay trước mắt và triển vọng của những đứa trẻ thuộc giống dân mới sinh ra thật là huy hoàng.

PHẦN I

CHƯƠNG I

CON NGƯỜI

Để hiểu rõ được quan điểm của Thông Thiên Học về mục đích và các qui trình nhập thể, ta cần duyệt lại một cách ngắn gọn những giáo huấn của Minh triết Ngàn đời về đề tài này.

Ta sống trong một thời đại mà phương Tây có thói quen coi con người là thể xác. Linh hồn có lẽ được lầm tưởng giống như một khinh khí cầu có dây buộc chặt xuống đất, nó lơ lửng ở đâu đó trong cõi vô hình ngay bên trên đầu thể xác. Quan niệm chung của những kẻ có nghĩ tới linh hồn như sau: con người một thể xác và một linh hồn. Thông Thiên Học đảo ngược phát biểu này lại và bảo rằng, con người một linh hồn và một thể xác. Thánh Phao lô có diễn tả điều ấy như sau: “Nếu đã có một cơ thể tự nhiên thì cũng phải có một thể tâm linh”. Thông Thiên Học định nghĩa về con ngườ như sau: “Con người là một thực thể - ở bất cứ nơi đâu trong vũ trụ có con người – mà tinh thần cao nhất và vật chất thấp nhất được trí năng kết hợp lại”. Minh triết Ngàn đời mà Thông Thiên Học hiện đại chính là đại biểu có dạy rằng Chơn ngã của con người ẩn tàng sâu đằng sau hết lớp vỏ vật chất này đến lớp màng vật chất khác với đủ mức độ trọng trược khác nhau.

Qui trình sinh ra đời cực kỳ phức tạp bởi vì ngoài thể xác ra, Chơn nhơn còn phải nhập thể vào các hiện thể khác nữa. Hiện thể mà xúc động của y được diễn tả qua đó có thể gọi là thể xúc động, còn hiện thể mà tư tưởng của y được biểu diễn qua đó có thể gọi là thể trí. Bản thân Chơn nhơn tức Chơn ngã ngự trong một vùng tinh vi và cao hơn nữa nơi một hiện thể được gọi là thể nguyên nhân. Vì vậy linh hồn chân chính của con người ngự nơi các cõi siêu trí tuệ và ở mức ấy các thuộc tính của Thượng Đế là Ý Chí, Minh Triết và Trí Huệ biểu lộ một cách thoải mái hơn nhiều so với mức ở các hạ giới nơi mà sự thô trược của vật chất che khuất chúng khỏi mắt ta.

Mục đích cơ tiến hóa của con người cũng như của vũ trụ - là ba thuộc tính nêu trên trong Tam vị nhất thể phải chiếu sáng càng ngày càng rực rỡ và đầy uy lực. Phương pháp tiến hóa là liên tiếp trải qua hàng loạt các vòng sinh tử luân hồi, qua các cõi trí tuệ, xúc động và hồng trần. [Muốn có thêm thông tin chi tiết về đề tài này xin bạn đọc tham chiếu kho tài liệu Thông Thiên Học].

Con người đúng là Đứa Con Hoang trong dụ ngôn. Mỗi người đều xuất phát từ trụ xứ thiêng liêng đi ra ngoài và đi xuống dưới tới tận chiều sâu thẳm của vũ trụ vật chất, khoác lấy hết hiện thể này tới hiện thể khác cho đến khi đạt tới cái thô trược nhất. “Và y lại hể hả vun quén cho đầy những lớp vỏ trấu mà loài lợn ăn nhồm nhoàm”. Cuối cùng thì sau nhiều trăm kiếp nhập thể như thế y bắt đầu học được bài học là mọi khoái lạc trần gian đều không thực và vô thường. Lúc bấy giờ trong lòng y mới nảy sinh ra sự khao khát một niềm vui và an bình lâu bền, thường trụ hơn. Đến lúc đó thì y mới tự nhủ rằng: “Ta sẽ vươn lên trở về với Cha để tấu trình với ngài rằng Cha ơi con đã phạm tội chống lại trời đất và dưới mắt Cha, con không còn xứng đáng được gọi là con nữa”. Con người học biết được rằng mình chỉ có thể có lại được “thiên đường” khi đã giải thoát khỏi gông cùm của ham muốn vốn xiềng xích mình xuống trần thế. Y phải gở từng cái gông xiềng ấy ra khỏi tay chân mình; y phải làm chủ được mọi yếu đuối của xác thịt, chinh phục và tẩy trược được mọi ham muốn, kiểm soát và hoàn chỉnh được mọi tư tưởng.

Lúc bấy giờ ánh sáng của Chơn nhơn, của Chơn ngã bất tử mới bắt đầu chiếu soi qua các hiện thể. Y bắt đầu thực chứng và trải nghiệm nơi hạ giới một số quyền năng, sự an bình và cực lạc vốn đặc trưng cho trụ xứ chân chính của y nơi thượng giới. Thật vậy, y bắt đầu bước trên “con đường phản bổn hoàn nguyên”, nó sẽ đưa y tới mức giải thoát hoàn toàn khỏi mọi phiền não trên trần thế, thoát khỏi mọi hạn chế nơi cõi trần để nhập vào sự an bình và hạnh phúc đời đời. Cuối cùng thì khi chấm dứt cuộc hành hương y cũng được hoan nghênh vì đã chu toàn nhiệm vụ và học được mọi bài học của loài người. Y sẽ kề vai sát cánh với Cha, “toàn bích như Cha mình đã toàn bích ở trên trời”.

Không cần phải sống cuộc đời như là đã từng gọi là cuộc đời;

Điều bắt đầu nơi y khi y khởi sự

Đã kết liễu: y đã đạt được mục đích

Của điều khiến cho y trở thành Chơn nhơn.

Những sự khao khát sẽ chẳng bao giờ hành hạ y nữa, tội lỗi ắt chẳng làm y ô uế, nỗi khổ đau của những niềm vui và khốn khổ trần tục.

Cũng chẳng xâm nhập được vào sự an bình yên ổn đời đời của y; sự chết

Và sự sống cũng không còn luân hồi trở lại. Y nhập

Niết Bàn. Ngài đã nhập một với Sự Sống bản thể

Thế nhưng ngài không sống như kẻ phàm phu. Ngài đã được công đức cho nên không còn hiện hữu như kẻ phàm phu.

OM, MANI PADME, OM! Giọt sương đã rớt vào biển cả chói sáng.

Trích từ quyển “Ánh đạo phương Đông”, quyển 8.

CHƯƠNG II

MỘT THUYẾT VỀ CHỨC NĂNG SÁNG TẠO

Trải qua nhiều thời đại, phương pháp sinh sản lưỡng tính đã tỏ ra là một nguồn mạnh mẽ gây đau khổ cho loài người và học viên hầu như cũng được tha thứ khi thắc mắc liệu những kết quả có ích lợi khi ta dùng nó có đủ đáng giá để hóa giải được những điều gian ác mà nó đã sinh ra. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đề tài này sâu sắc hơn theo quan điểm Thông Thiên Học ắt cho ta thấy rằng không phải cái phương pháp liên kết với chức năng sáng tạo ấy đã gây ra nhiều điều gian ác mà nói cho đúng hơn thì việc lạm dụng nó mới là cội nguồn của biết bao nhiêu bệnh tật nơi con người.

Hiện nay những điều gian ác ấy đã nổi bật đến nỗi dường như thật cực kỳ quan trọng mà thái độ của ta đối với trọn cả vấn đề giới tính phải được thay đổi triệt để. Ta nên cố gắng loại bỏ sự xấu xa, tội lỗi và ô uế đã trở nên gắn bó với chức năng sáng tạo.

Huyền năng sáng tạo là một trong những thuộc tính của Thượng Đế mà con người có được. Khi vận dụng huyền năng ấy, con người đã công diễn trên qui mô tiểu vũ trụ cái vở tuồng sáng tạo của đại vũ trụ. Sự dung hợp cơ thể nam nữ là sự phản chiếu trên cõi trần của sự hiệp nhất ngôi một và ngôi ba của Thượng Đế để sinh ra ngôi hai. Đó là việc công diễn phép bí tích vở tuồng sáng tạo trong đại vũ trụ. Khi nó được thực thi bởi động cơ thúc đẩy là tình thương thuần túy và hỗ tương thì hai nửa của Thượng Đế được biểu diễn bằng người nam và người nữ hiệp nhất lại với nhau.

Theo lý tưởng thì sự dung hợp này nên diễn ra trên mọi cõi của thiên nhiên mà con người biểu lộ qua đó. Khi cơ tiến hóa của cá thể tiếp diễn thì mức độ dung hợp ấy dần dần càng ngày càng được nâng cao lên. Nơi kẻ dã man, sự dung hợp phần lớn là về thể xác và xúc động. Nơi người văn minh, cõi trí tuệ cũng được bao hàm trong đó để đạt được mức độ hiệp nhất về tâm trí. Người đã tiến hóa khi bắt đầu đạt được tâm thức trực giác thì nên đặt mục tiêu đạt được sự dung hợp trên cõi tâm linh cũng như trên mọi mức thấp hơn. Khi ta thành tựu được sự hợp nhất lý tưởng thì hai bộ nguyên khí của con người trở nên chỉnh hợp hỗ tương, rung động đồng bộ và hòa lẫn làm một.

Khi các cơ quan có cực tính đối nghịch hiệp nhất lại thì xảy ra sự giáng hạ của huyền năng. Mức độ và phẩm chất của huyền năng ấy tùy thuộc vào trình độ tâm thức mà sự hiệp nhất đã thành tựu được. Nơi con người, việc huyền năng giáng hạ tạo ra sự bành trướng tâm thức mà y có thể thực chứng ở mức độ cũng giống như sự hiệp nhất mang tính tâm linh hơn là mang tính xác thể xét về bản chất và động cơ thúc đẩy. Để có thể lợi dụng tối đa sự kiện này, tâm thức phải được hướng về cõi tâm linh xa rời cõi hồng trần. Lúc bấy giờ mức độ huyền năng cao nhất ắt được phóng thích, người ta ắt đạt được sự bành trướng tâm thức tối đa và cung ứng được tình huống tốt nhất để xây dựng cơ thể cho chơn ngã nào muốn nhập thể lâm phàm.

Ở mức độ kiến thức và phát triển hiện nay của con người thì ta không thể chối bỏ rằng phương pháp sinh sản lưỡng tính là nguồn gây khó khăn lớn cho toàn thể loài người. Tuy nhiên, nếu ta chấp nhận ý niệm ngoài sự hiệp nhất thể xác ra còn cần có kèm theo sự dung hợp trí tuệ và tâm linh thì ta ắt thấy rằng việc sinh sản lưỡng tính đã được lập nên để giúp cho loài người đạt được sự bành trướng tâm thức và thực chứng nhất nguyên bằng sự trải nghiệm tính đơn nhất qua việc thường xuyên lập đi lập lại hành vi sinh dục.

Việc lạm dụng tính dục hầu như không thể tránh khỏi và ắt phải được tiên liệu. Mặc dù việc lạm dụng ấy đã tạo ra sự lan tràn khốn khổ thì phương pháp này vẫn đóng một vai trò lớn trong việc phát triển loài người và chắc chắn nó ắt đóng một vai trò còn lớn hơn nữa khi người ta đã thực chứng được những khả năng cao siêu hơn của nó.

Nghiên cứu bằng thần nhãn đề xuất rằng cái nguyên lý – theo đó sự đồng bộ toàn bích của một cặp đối cực phóng thích năng lượng từ các cõi cao – tác động xuyên suốt toàn thể thiên nhiên. Chẳng hạn như sự sống ẩn đằng sau hình tướng thực vật nhận được một sự xao xuyến rõ rệt từ sinh lực của hành tinh giáng xuống vào hình tướng ấy mỗi khi xảy ra sự thụ phấn. Sự đáp ứng ấy đẩy nhanh cơ tiến hóa của nó bất cứ khi nào nó trải nghiệm được điều đó. Những đóa hoa thời nay vốn bén nhạy và phát triển cao hơn đã bắt đầu hưởng ứng với mức độ càng ngày càng gia tăng đối với sự kích thích của huyền năng giáng nhập ấy. Trong những căn chủng tương lai cũng như các cuộc tuần hoàn sau này [Xem quyển Những nguyên lý bản sơ của Thông Thiên Học, tác giả C.Jinarajadasa] huyền năng đáp ứng nơi giới thực vật và các giới khác trong thiên nhiên - ắt tự nhiên là có khuynh hướng trở nên lớn lao hơn và tự ý thức nhiều hơn.

Việc chấp nhận cái thuyết giới tính này ắt đặt con người vào một địa vị có trách nhiệm nặng nề đối với việc sử dụng và lạm dụng huyền năng sáng tạo. Trong mọi giới của thiên nhiên chỉ mỗi một con người là tự ý thức và tự quyết trong việc vận dụng chức năng sinh sản. Do không biết ý nghĩa tâm linh căn bản của nó, con người lạm dụng những thần lực lớn lao dính dáng tới hành vi sinh dục ắt gây ra những hậu quả thật sự là nghiêm trọng đối với cá thể lẫn tập thể loài người. Sự lành mạnh về thể xác, tâm trí và đạo đức bị tổn thương. Hậu quả là suy thoái năng lực tâm linh, tâm trí và thể xác. Mọi quan năng của con người sắc sảo bao nhiêu thì lại bị cùn nhụt bấy nhiêu. Sự sắc sảo, chính xác, thâm thúy và tài ba vốn đặc trưng cho huyền năng trí tuệ của vị Thượng Đế đang tiến hóa, tức là con người, dần dần bị thay thế bởi sự tầm thường và lười nhát về tâm trí.

Những cơ thể mới được tạo ra bởi những kẻ có thói quen lạm dụng huyền năng sáng tạo của mình thất bại một cách khốn khổ, không cung ứng được cái đền thờ thích hợp cho đấng thần linh chủ nhân ông vốn phải nhập thể trong đó. Cái bầu hào quang thông linh của căn nhà và vùng đất mà những phép thực hành như thể diễn ra ảnh hưởng chẳng những tới đám con trẻ đang lớn lên – chúng vốn cực kỳ nhạy cảm với những ảnh hưởng vô hình như thế - mà còn chi phối tất cả những người léo hánh vào trong phạm vi những tia phóng phát ô uế như vậy.

Tình huống này lại gia tăng thêm cường độ do sự có mặt của một vài tinh linh ngũ hành [Tinh linh ngũ hành là những sinh linh thông tuệ đang tiến hóa trong các cõi siêu vật lý và tạo thành giới thứ 5 trong thiên nhiên tức giới tinh linh ngũ hành. Xem tác phẩm “Những nguyên lý bản sơ của Thông Thiên Học” của C. Jinarajadasa], chúng đắm mình trong bầu hào quang vốn cực kỳ dễ chịu và gây kích thích cho chúng. Đến lượt chúng lại gia tăng phạm vi mức độ thô trược và khả năng gây ảnh hưởng tới tư tưởng, xúc cảm và sinh hoạt của những người khác. Ta ắt dễ dàng đánh giá được ý nghĩa của sự kiện này khi ở một chương sau, ta xét tới những qui trình kiến tạo các thể tinh vi và thể xác của đứa trẻ.

Những tác dụng do việc lạm dụng huyền năng sáng tạo vì dốt nát quả thật là nghiêm trọng, tác dụng do việc cứ tiếp tục lạm dụng như thế sau khi đã biết rõ hầu như vô cùng lớn hơn. Vì vậy thật là cực kỳ quan trọng cho sự tiến hóa của cá thể, sự tiến bộ của loài người và việc xây dựng nền văn minh mới khi mọi người có quan tâm tới nhân loại đều phải chấp nhận và ứng dụng toàn tâm toàn ý cái lý tưởng là trong sạch về tình dục. Sự hiệp nhất vốn là biểu hiện của tình yêu thuần túy nhất có thể làm cao thượng và nâng cao sinh hoạt cũng như ý thức của con người đạt được sự tự chủ để biểu hiện một cách trong sáng nhất tình luyến ái hỗ tương của mình. Sự hiệp nhất vốn chỉ thỏa mãn lòng đam mê thú dục ắt chỉ làm bại hoại cả tâm trí lẫn thể xác. Nó làm ô uế cái lý tưởng của người phụ nữ trinh khiết và khả ái để đạt được sự biểu hiện cao nhất trên cõi trần về tư cách làm mẹ.

Mọi người phụ nữ đều là một biểu hiện và biểu diễn khía cạnh âm của thiên tính. Vào lúc sinh con đẻ cái, người mẹ đóng vai trò trong vở tuồng sáng tạo ngàn đời. Đứa con mà bà sinh ra là tiểu vũ trụ của mình. Vì vậy tình phụ mẫu quả thật là một phép bí tích và ta không được nhẹ dạ, báng bổ nó.

Khi ta đã hiểu biết thêm, đã thực hành được sự tự chủ, và khi ta yêu thương nhiều hơn một cách vị tha và đẹp đẽ thì cái lý tưởng ấy ắt ngay tức khắc chi phối sinh hoạt của các thiện nam tín nữ. Lúc bấy giờ một giống dân mỹ miều ắt sinh ra, nó sẽ chói sáng hơn hẳn so với vẻ đẹp bất hủ của những người Hi Lạp thời xưa. Tri thức và huyền năng của những giống dân sau này ắt thêm vào vẻ mỹ miều của người Hi Lạp để hình thành Tam vị nhất thể cốt lõi mà chỉ có nó mới triển khai ra được một nhân loại toàn bích và một nền văn minh toàn bích.

PHẦN II

KIẾN TẠO CÁC HẠ THỂ

Thông tin bao hàm trong các Chương sau đây đã được thu thập bằng cách sử dụng thần nhãn [ Xem Thần Nhãn của C. W. Leadbeater] làm phương tiện khảo cứu: Người ta toan tính dùng thần nhãn để khảo sát đủ thứ hạ thể trong những giai đoạn khác nhau của quá trình nhập thể bắt đầu từ tháng thứ tư.

CHƯƠNG III

THỂ TRÍ LÚC BỐN THÁNG

Vào tháng thứ tư, ta thấy thể trí mới mở hầu như không có màu sắc, có đường nét chung mờ nhạt và hình dạng đại khái giống như quả trứng. Có một màu trắng đục nào đó gợi ý là ta thấy được màu sắc trên bề mặt. Phía bên trong bộc lộ sự tồn tại những sắc thái rất tinh vi của màu vàng lợt, xanh lục, màu hồng và màu xanh lơ, xung quanh phần phía trên của ngoại vi có màu tím. Các sắc thái tinh vi đến nỗi nó là những nét gợi ý hơn là những màu xác định – chúng tiên báo các đặc trưng của thể trí được kiến tạo.

Các hạt cấu thành toàn bộ thể trí chuyển động nhanh chóng và cho đến nay trên bề mặt chỉ xuất hiện rất ít những trung tâm lực đã có tổ chức [Xem tác phẩm Các Luân xa của C. W. Leadbeater, Thể Phách, Thể Vía Thể Trí của A.E. Powell]. Phía bên trong ta thấy có hình dáng lờ mờ giống như hình người trong đó có các trung tâm lực tức các luân xa của phôi thai. Các luân xa trên đầu đã tiến triển rất tốt, nhất là luân xa Brahmaranda, đây là vùng mà lực xuất hiện tuôn đổ liên tục vào đó như thể xuyên qua một cái lỗ trên đỉnh đầu. Ta cũng có thể thấy các trung tâm lực ở họng, tim, tùng thái dương và trung tâm lực muladhara của phôi thai. Chỉ có những trung tâm lực ở trên đầu là tỏ ra hoạt động sôi nổi; và ngay cả chúng cho đến nay cũng có vẻ chưa thực thi chức năng xác định là luân xa. Chơn ngã lúc nào cũng cực lực làm việc với thể xác, tuôn đổ thần lực lên đó và nạp khả năng rung động chuyên biệt cho các nguyên tử.

Trong trường hợp một Chơn ngã tiên tiến thì quá trình này phải sử dụng một lượng kiến thức hữu thức xác định. Người đã tiến hóa có ý niệm rất rõ rệt về các loại cơ thể mà mình cần và thường rất quyết tâm đạt được nó.

Dáng vẻ chung của thể trí phôi thai trong trường hợp mà ta đang nghiên cứu có hình bọt trắng đục giống như trứng trên đỉnh có cái lỗ. Có một sự tương tác thần lực thường xuyên chảy xuống qua lối thoát này trông giống như một luồng các hạt ánh sáng có màu sắc rực rỡ. Ở giữa “cái bọt” này là hình thù con người lờ mờ và luồng đi xuống xuyên qua đỉnh đầu.

Thể nguyên nhân tức hiện thể mà Chơn ngã hoặc tâm thức nhập thể thường trú trong đó lớn hơn hẳn cái thể trí mới hình thành, nó dường như bao trùm một phần thể trí trong đó, dường như thể nửa trên của thể trí trùng với nửa dưới của thể nguyên nhân. Ta thấy ảnh hưởng của Chơn ngã giáng xuống đầu mút bên trên của thể trí như ta vừa miêu tả.

Toàn thể hiện tượng này được bao quanh bởi ánh sáng chói lòa lóa mắt mà càng về phía tâm của thể nguyên nhân thì cường độ ánh sáng lại càng tăng. Thần lực tuôn xuống giữ cho các nguyên tử của thể trí thường xuyên chuyển động và khi nó đập vào vật chất cấu thành thể trí nó tạo thành một xoáy lực mà phần vật chất thể trí còn lại không ngừng bị hút vào đó và xuyên qua đó. Tuy nhiên sự vận động này không ảnh hưởng gì tới dáng vẻ chung, nó vẫn cứ giống như hình quả trứng như ta đã mô tả trước kia. Mặc dù hình dáng con ngưới hiện rõ ra bên trong hình giống như quả trứng, ta không được nghĩ nó giống như một khối lõm rỗng tuếch mà đúng hơn là một khối vật chất thô đặc mặc dù trong suốt và chuyểnđộng rất nhanh.

Mọi nguyên tử của thể trí đều đi qua xoáy lực và cái luồng tuôn xuống tạo ra xoáy lực để bị nó từ khí hóa, chói sáng hơn và thế rồi lại dần dần kém sáng đi khi nó túa ra những phần khác của thể trí. Màu sắc trong các luồng tuôn xuống có vẻ biến thiên, điều này gợi ý rằng Chơn ngã đang kiến tạo một cách hữu thức những quan năng xác định và đang từ khí hóa thể trí bằng những rung động chuyên biệt.

Có một sự tương tác liên tục giữa thể trí đang tăng trưởng của đứa trẻ và thể trí của bà mẹ. Mối liên hệ giữa đôi bên có tác dụng giúp cho thể trí mới được ổn định và cố kết, còn sự chói sáng và tươi mới trong hào quang của đứa trẻ lại làm cho hào quang của bà mẹ sáng hơn. Thật thú vị khi so sánh thể trí già nua hơn của bà mẹ tương đối cố định và cứng ngắc còn thể trí mới mẻ của đứa trẻ cực kỳ mềm dẻo và linh động.

Bên ngoài địa hạt hoạt động này ta thấy có một vài thiên thần [Xem tác phẩm khác của tôi: Giới Thần Tiên, Tình Huynh đệ của các Thiên Thần và Loài người, Tập đoàn Thiên Thần]. Có một thiên thần hoạt động ở mức thể trí và dường như chịu trách nhiệm kiến tạo cả ba hạ thể, còn một thiên thần khác có tính cách thuộc hạ nhiều hơn hoạt động ở mức thể xúc động. Thiên thần cõi trí dường như đang vận dụng một ảnh hưởng che chở, chỉ để cho một vài tầm mức rung động từ ngoại giới lọt vào thể trí mới mẻ. Ngài dường như hiểu biết hoàn toàn về những ảnh hưởng vốn là kết quả của những kiếp nhập thể trước đang làm biến đổi sự tăng trưởng và hình ảnh các thể trí, thể xúc động và thể xác mới.

Trong hào quang của thiên thần ta thấy có một số phàm ngã quá khứ của Chơn ngã đang nhập thể. Có một phàm ngã dường như của một người sống vào thời kỳ Nữ hoàng Elizabeth và kếp sống mới như có vẻ nối tiếp công trình và sự phát triển của nhập thể ấy. Tụ tập xung quanh hình tư tưởng của một thể xác trước kia lưu lại trong hào quang của thiên thần có một số hình tướng khác của những người  nam và nữ đương thời, xét theo biểu kiến họ biểu diễn những người có nghiệp duyên với phàm ngã ấy. Một số đang mỉm cười, một số lại cau có, còn một số thì dửng dưng. Thái độ và cách biểu diễn của họ có lẽ cho ta thấy mối quan hệ nhân quả giữa các bên gồm họ và Chơn ngã đang được nghiên cứu việc giáng nhập để lâm phàm. Ở mức thể nguyên nhân ta thấy có một đại thiên thần nữa trợ giúp cho sự nhập thể, ngài biết hết toàn bộ các kiếp đã qua và nghiệp báo của Chơn ngã. Ngài chuyển giao cho huynh đệ của mình ở mức hạ trí cái bộ phận đặc thù của nghiệp báo cần phải được thanh toán trong kiếp sắp tới.

Sự nhập thể trên cõi trí diễn tiến theo sự giám sát và quản lý như trên. Các vị thiên thần thuộc hạ khá giống như cái lửa trại khổng lồ mà các ngài liên tục rót vật liệu mới vào để cho nó cháy. Vật liệu mới này gia nhập vào sự chu lưu của thể trí mà ta đã mô tả trước kia, rồi rốt cuộc nó chạy xuyên qua xoáy lực vì đã được Chơn ngã chuyên biệt hóa.

Trong giai đoạn sơ khai của quá trình nhập thể, Chơn ngã có vẻ chưa hoàn toàn nhập vào thể trí mặc dù nó đã hoàn toàn sử dụng rất tích cực cái thể trí mà nó đang kiến tạo. Tuy nhiên cái hình dáng lờ mờ bên trong đó, trong chừng mực nào đấy là biểu hiện và hiện thể của tâm thức Chơn ngã cho nên nó đang dần dần bắt đầu sử dụng hình hài ấy.

 

CHƯƠNG IV

THỂ XÚC ĐỘNG VÀO THÁNG THỨ TƯ

Công trình của vị thiên thần chịu trách nhiệm ở mức độ xúc động phần lớn cốt ở việc có được hiện thể tốt nhất trong hoàn cảnh môi trường xung quanh và nghiệp báo đã định. Các thiên thần ở mức cõi trí đã trao truyền cho thiên thần cõi trung giới kiến thức về nghiệp báo trong mức độ nó ảnh hưởng tới thể xúc động. [Tôi dùng giống đực để cho tiện chứ các thiên thần đều vô giới tính]. Tuy nhiên cũng có sự du di nào đấy và thiên thần cõi trung giới lợi dụng tình huống thuận lợi trước khi sinh ra và mọi ảnh hưởng thuận lợi của môi trường xung quanh kiếp nhập thể và nhằm biến đổi quả báo của các kiếp trước và cải thiện thể xúc động. Thiên thần này dường như cũng không tự mình thật sự xây dựng cái gì. Sau này ta sẽ thấy đó là công việc của các tinh linh thiên nhiên thấp kém hơn.

Thiên thần ấp ủ thể vía đang tăng trưởng với thái độ dứt khoát giống như bà mẹ và che chở cho nó tránh hết mức ảnh hưởng bất lợi. Ngài để cho từ khí của chính mình thoải mái tác động lên hình tướng đang tăng trưởng và chia xẻ với nó đến mức tối đa sinh lực làm linh hoạt của chính mình. Chẳng hạn như thỉnh thoảng ngài lại ôm trùm cái thể vía bé nhỏ vào bên trong mình, lấy hào quang của mình bao bọc xung quanh nó và cúi đầu xuống dường như thể nhất thời bao trùm lấy nó về mọi phía.

Thiên thần này làm việc với một phong thái khoa học của kẻ có trí năng và mặc dù ngài cảm thấy rất hân hoan và âu yếm đối với đứa trẻ, thái độ tâm trí của ngài dứt khoát là áp sát một số thần lực để nó tạo ra một kết quả xác định rõ rệt. Khi môi trường xung quanh cung cấp năng lượng tâm linh xung quanh xác định, chẳng hạn như khi bà mẹ đang dự thánh lễ ở nhà thờ hoặc tham dự vào những buổi họp tâm linh khác thì ngài hấp thụ tối đa năng lượng ấy. Thế rồi ngài ôm cái thể vía đang tăng trưởng lọt thỏm vào bên trong mình theo cách mà ta mô tả ở trên sao cho năng lượng tác động lên thể vía và nhập vào thể vía, từ khí hóa nó để làm biến đổi bất cứ xu hướng nghiệp lực bất lợi nào. Đây là tình huống đáp ứng dễ dàng hơn với rung động cao và vì vậy khó hưởng ứng với những rung động thấp hơn.

Trong trường hợp mà ta đang khảo cứu thì cả cha lẫn mẹ đều đã thực hành một hệ thống chính qui tham thiền hằng ngày trong nhiều năm. Điều này tỏ ra có giá trị vô lượng cho nên thiên thần lợi dụng tối đa được tình huống ấy.

Trong những vùng dân cư ken đặc ở các đô thị lớn, công việc của thiên thần phần lớn cốt ở chỗ che chở cho thai nhi và thể vía của thai nhi tránh bị những ảnh hưởng bất lợi. Ở những nơi mà bầu hào quang thông linh rất tệ hại thì thiên thần có thể thỉnh cầu một số huynh đệ của mình trợ giúp cho công việc ấy.

Thiên thần cũng có thể tạo ra tác dụng gián tiếp lên thể phách và xác phàm. Vì vậy, ngài có thể tối thiểu hóa hậu quả của một tai nạn xảy ra cho bà mẹ hoặc nghịch cảnh ở mức độ trong giới hạn nghiệp báo của Chơn ngã. Chẳng hạn như trong trường hợp bà mẹ bị sốc thì thiên thần có thể cách ly phần nào thai nhi với bà mẹ bằng quá trình ôm ấp mà ta đã mô tả ở trên kia, nhờ vậy mà tối thiểu hóa được tác dụng của một tương tác quá mật thiết.

Tuy nhiên yếu tố chính trong mọi công trình của thiên thần là để cho sinh lực làm linh hoạt của chính mình tác động và kích động lên những hiện thể và xuyên qua các hiện thể có dính dáng tới mình.

Thể vía của đứa trẻ dường như được bao hàm bên trong thể vía của bà mẹ và trong trường hợp mà ta đang miêu tả thì vào tháng thứ 5 nó chiếm một vị trí tương ứng với khoảng trống giữa 1/3 phía trên của đùi và bờ mép phía dưới của xương sườn. Nó dường như nằm chéo, trục nằm lệch qua cơ thể bà mẹ một góc vào khoảng 45o so với đường nằm ngang. Cực phía trên của nó ở bên tay trái. Nó có dáng vẻ giống như một hình trứng nhỏ dài chừng 12 phân Anh, có màu trắng tinh và chiếu sáng một ánh quang huy nào đấy. Bên trong nó ta thấy có một hình người nhỏ xíu lờ mờ mà ở giai đoạn này chỉ mới xác định một phần.

Luồng sinh lực của Chơn ngã thì ta thấy nhập vào thể vía ở chóp đỉnh và truyền xuống đi vào trung tâm của đầu. Cho đến nay nó chưa thể giáng xuống dưới một điểm tương ứng với phần giữa của đầu nơi nó mở rộng ra thành hình cầu. Từ đó lại thò xuống một nhánh nhỏ xíu giống như một cái rễ con, đến tháng thứ 5 đã lan tới tận họng, ở đây nó lại có vẻ mở rộng không phải thành hình cầu mà thành các nhánh, ta có thể phân biệt được ba nhánh. Cái rễ nhỏ có nhiều nhánh này màu hoàng kim tỏa sáng và khi nó mở rộng thêm nữa trong thể vía thì nó tạo thành một mạng lưới dần dần mở rộng ra và càng ngày càng có mắt lưới khít lại trong quá trình kiến tạo thể vía.

Hình dạng trung tâm của thể vía có quan hệ trong không gian với xác phàm và thể phách. Nó xuyên thấu, lồng vào và bao quanh các thể này. Trong giai đoạn này nguyên tử trường tồn thể vía và thể phách nằm bên trong phần mở rộng đầu tiên của luồng sinh lực Chơn ngã giáng xuống như ta đã nêu trên, nghĩa là ở trung tâm của đầu, tại một điểm cũng chính là tâm điểm cái đầu bằng xác phàm của thai nhi.

Hào quang của bà mẹ dường như không xuyên thấu lồng vào hào quang của đứa trẻ một cách thật thoải mái. Mặc dù có một sự trộn lẫn nào đấy, thể xúc động của bà mẹ chu lưu xung quanh ở phía ngoài thể xúc động của đứa trẻ và dứt khoát có kích thước gia tăng do có sự hiện diện hình tướng đang tăng trưởng bên trong mình.

 

CHƯƠNG V

CÔNG VIỆC CỦA CÁC TINH LINH THIÊN NHIÊN

MÀ TA QUAN SÁT ĐƯỢC VÀO THÁNG THỨ TƯ

Thai nhi chia xẻ prana của cõi trần với bà mẹ, ở giai đoạn này prana ấy nói chung chu lưu qua nó mà không có bất kỳ kênh dẫn xác định nào. Phần lớn được rút ra từ tùng thái dương của bà mẹ tới một điểm tương ứng trong thai nhi, từ đó nó thoải mái tràn lan ra trọn cả hình tướng. Song le, hơi có sự tập trung prana trên đầu của phôi thai, nhưng vào lúc này trung tâm lực lá lách chưa hoạt động. Sự hiện diện của phôi thai bên trong bà mẹ chắc chắn tạo ra nhu cầu về sinh khí của bà. Tuy nhiên, bà có thể hấp thụ và đồng hóa một lượng lớn theo tỉ lệ.

Các tinh linh thiên nhiên ở mức thể phách cũng cung ứng một lượng sinh khí nào đấy mà phôi thai nhận được mỗi khi các tinh linh làm lắng tụ vật chất dĩ thái vào hình tướng đang tăng trưởng. [Muốn biết sự mô tả tỉ mỉ quá trình này khi nó xảy ra trong giới thực vật xin xem tác phẩm của tôi “Giới Thần Tiên”]. Chúng hấp thụ sinh khí trong thời kỳ mà chúng đang thu gom vật liệu. Quá trình này khiến cho cơ thể nhỏ xíu của chúng chói sáng và bành trướng ra, thể phách của phôi thai cũng chói sáng ở vùng mà chúng xả ra các hạt và sinh khi vào đấy.

Ta thấy rõ các tinh linh thiên nhiên kiến tạo này bên trong tử cung ở mức trung giới, chúng có vẻ làm việc từ cõi đó. Ba hồi chúng trông giống như một tia chớp lóe ánh sáng trắng đục, ba hồi chúng giống như những điểm màu sáng lên di chuyển rất nhanh chạy vòng vòng tạo cho ta cảm tưởng rất náo nhiệt. Mỗi tia chớp lóe có một trung tâm điểm sáng hơn, đường kính có lẽ bằng 1/16 của một phân Anh, xung quanh là một hào quang nhỏ xíu có màu sắc rực rỡ với đường kính gấp ba lần trung tâm điểm lóe sáng. Tinh linh thiên nhiên kiến tạo cũng hấp thụ vật chất từ bên ngoài, đồng hóa nó rồi lại xả nó qua phôi thai. Sự hấp thụ này diễn ra ở khoảng trống và xung quanh tử cung. Chúng “bắt giữ” và hấp thụ vật chất đi tới bị cuốn hút về phía phôi thai bởi dòng thần lực lôi cuốn chúng theo. Thế rồi chúng trải qua một quá trình đồng hóa tương tự như sự tiêu hóa. Khi quá trình này đã hoàn tất thì các tinh linh thiên nhiên trở lại chỗ bào thai, chìm đắm vào đó để bồi tích vật liệu mới.

Có hàng trăm sinh linh nhỏ xíu này làm việc, tất cả đều có dáng vẻ giống nhau và dùng một phương pháp giống nhau. Tuy nhiên không phải tất cả vật chất đi tới đều đi xuyên qua chúng; một số trực tiếp đi vào vị trí như ta đã mô tả trước kia, còn một số vật chất khác nhập vào vùng tử cung rồi bị treo lơ lửng ở đó cho đến khi các tinh linh thiên nhiên đã đồng hóa nó rồi kiến tạo nó vào trong phôi thai.

Ở lân cận tử cung, mức thể vía và thể phách, ta có thể phân biệt được một nốt nhạc xác định. Nó giống như một tiếng kêu vo vo nhẹ nhàng chẳng khác nào tiếng mà ta nghe được gần một tổ ong và chủ yếu do nguyên tử trường tồn phóng phát ra; nhưng vì toàn bộ thể phách của phôi thai và các tinh linh thiên nhiên tác động lên thể phách ấy cũng đều rung động cùng một tốc độ cho nên tử cung tràn ngập âm thanh ở mức dĩ thái ấy.

Rung động này vừa có tác dụng tạo hình vừa có tác dụng che chở. Nó không ngừng ảnh hưởng tới hình dáng của cơ thể đang tăng trưởng, đồng thời nó duy trì trong phạm vi ảnh hưởng của mình một tình huống mà chỉ có những rung động hài hòa và vật liệu “đã chỉnh hợp” mới có thể xuyên thấu qua được.

 

CHƯƠNG VI

THỂ PHÁCH VÀ XÁC PHÀM VÀO THÁNG THỨ NĂM

Khi đã đến tháng thứ năm thì ta có thể nhận thấy sự tiến bộ xác định trong mọi quá trình được miêu tả ở các chương nêu trên. Tâm thức của Chơn ngã đã bắt đầu chạm tới mức trung giới và ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiến tạo thể vía. Sự kiến tạo và tăng trưởng thể trí đã tiến xa đúng mức khiến cho Chơn ngã có thể không còn chú ý tới quá trình này nữa.

Đường liên giao giữa Chơn ngã và phôi thai đã trở nên càng ngày càng mở rộng hơn. Vào tháng thứ tư thì mối liên kết này lộ ra thành một cột ánh sáng xanh lơ bạc, có đường kính vào khoảng 1,5 phân Anh, còn vào tháng thứ năm thì nó đã tăng lên mức 2,5 phân Anh. Khi nó từ cõi cao giáng xuống nó nhập vào cơ thể bà mẹ ở phía bên trái và hơi ở phía sau lưng tại một điểm chuyển tiếp từ các đốt sống ngực sang đốt sống thắt lưng. Nó chạm từ bờ mép bên trên và bên ngoài của luân xa lá lách và đi xuyên qua nhập vào đầu của phôi thai.

Hình dáng của xác phàm được xác định bởi hình dáng của cái khuôn dĩ thái mà các tinh linh thiên nhiên kiến tạo nó vào trong đó. Cái khuôn này một phần được tạo ra do huyền năng tạo hình của rung động “âm thanh” phóng phát ra từ hợp tử và nguyên tử trường tồn. [Xem Chương V] và một phần là do các Nghiệp quả Tinh quân, các ngài định hình nó theo Nghiệp quả của cá thể ấy. Nó được phú cho một sinh hoạt tinh linh ngũ hành nào đấy của riêng mình, đó là sự phóng hiện Nghiệp báo trên cõi trần của cá thể vào trong hình tướng con người. Nó thụ động theo nghĩa nó không thể phát khởi bất cứ tác động nào mà chỉ gây ảnh hưởng tích cực  lên sự tăng trưởng của phôi thai.

Một chức năng khả hữu của cái khuôn dĩ thái là bảo đảm cho phôi thai được chuyển tiếp an toàn qua những giai đoạn lập lại sự tiến hóa trong quá khứ tới tận hình tướng con người thời nay. Bản thân cái khuôn dường như không trải qua những giai đoạn lấy dáng vẻ của đứa trẻ đã phát triển đầy đủ. Nó cũng thực thi chức năng ức chế khiến cho nó có thể ngăn ngừa một vài ảnh hưởng và tình huống của người mẹ không đụng chạm tới phôi thai. Chẳng hạn như bà mẹ bị sốc, nó đóng vai trò một gối dựa hoặc bộ đệm. Song le những ảnh hưởng trong phạm vi nghiệp quả của Chơn ngã đều đi xuyên qua nó và khi đi qua nó làm nó biến đổi cũng giống như làm cho phôi thai tăng trưởng.

Trong trường hợp mà ta đang khảo sát, cái khuôn ở bên trong tử cung trông giống như đường nét bên ngoài của một trẻ sơ sinh lộ ra trong ánh sáng trắng. Nó được kiến tạo bằng chất dĩ thái, ở bề mặt bên ngoài bị ép lại thành một lớp vỏ hoặc lớp “da”. Tác dụng tổng quát là trẻ sơ sinh có ánh sáng trắng lập lòe tắm mình trong ánh trăng với một mức độ ánh sáng hơi hơi không đều đặn. Ta chưa thấy rõ được những nét đặc biệt vì chúng còn chưa định hình rõ rệt.

Ta thấy việc kiến tạo thể xác tiếp diễn bên trong tử cung. Nhiều luồng thần lực hội tụ vào và có một hoạt động kịch liệt để cho các thiên thần tinh linh thiên nhiên cấu tạo ở mức cõi trần, cõi dĩ thái và cõi trung giới. Phôi thai dường như đóng vai trò một nam châm và ta thấy các hạt vật chất không ngừng được hút về phía nó. Nếu dùng thần nhãn ta có thể theo dõi các hạt này khi chúng đi tới điểm mà chúng kết tụ lại rồi “an trụ” vào những vị trí trong cơ thể. Các dòng thần lực do sự phóng phát nguyên sơ rung động “âm thanh” (mà ta sẽ đề cập sau) dựng nên dường như có một ảnh hưởng hấp dẫn đối với vật chất này và thu hút vào những bộ phận khác nhau trong cơ thể tùy theo loại hình và tốc độ rung động của nó.

Chơn ngã cũng ảnh hưởng tới vật chất này qua cột ánh sáng mà ta đã mô tả trước kia. Ta thấy thần lực của Chơn ngã không ngừng tác động xuống phía cái cột, cấy rung động chuyên biệt của riêng mình lên các hạt đang đi tới. Loại vật chất này bị rút ra từ đủ mọi phía, ùa về phía cơ thể người mẹ, bị bắt giữ vào trong dòng thần lực ở ngay xung quanh phôi thai và bị chúng thu hút vào vị trí ở trong cơ thể đang tăng trưởng. Một dòng như thế bám vào thể phách của người quan sát, kết quả là cái loại chất dĩ thái trong cơ thể người quan sát mà tương ứng với tốc độ rung động của cái dòng đặc thù ấy bèn bị rút vào cơ thể của thai nhi.

Đầu mút của cái cột từ Chơn ngã xuống tới bà mẹ hình thành một “trái tim” trung giới-dĩ thái bên trong phôi thai ở một điểm đại khái tương ứng với tùng thái dương. Nhiều sinh năng của cơ thể cũng được tập trung vào trung tâm điểm này, nó được phân phối ra từ đó để dùng làm chất kích thích cho tế bào thân xác tăng trưởng, làm linh hoạt cơ thể và gia tăng luật hấp dẫn nguyên thủy vốn đang thu hút chất dĩ thái vào tử cung.

Vào lúc thụ thai thì một tia chớp lóe ánh sáng từ mức tâm linh cao nhất của Chơn ngã giáng xuống nhập vào tinh trùng, cung cấp cho nó xung lực và năng lực sáng tạo, và cung ứng huyền năng cho những qui trình được nêu trên.

Lực hấp dẫn được phóng thích và bắt đầu tác động từ lúc một thực thể được hình thành nhờ phối hợp lực âm và lực dương của tinh trùng với trứng. Tổ hợp của hai lực này trong những tình huống chuyên biệt – nghĩa là ẩn sau chúng có năng lượng sinh hoạt hoặc lực thôi thúc sinh học – cảm ứng ra một dòng thần lực trên cõi trung giới. Ngay khi tình huống này xuất hiện trong trường hợp mà Chơn ngã phải nhập thể thì nguyên tử trường tồn thể xác vốn là kho chứa các kinh nghiệm trên cõi trần trong những kiếp trước bèn gắn kết vào hợp tử. Từ lúc đó trở đi, lực hấp dẫn bước vào tác động. Nó thuộc về cấp độ rung động của âm thanh và “hiệu triệu” đủ mọi cấp tinh linh thiên nhiên khi các loại hình rung động khác nhau được phát ra.

Nó cũng cung ứng một sự cách ly bằng chất dĩ thái mà thao tác kiến tạo có thể diễn ra trong nội bộ lớp cách ly ấy như ta đã mô tả trước kia. Khi nó tác động lên vật chất ở xung quanh thì nó ghi khắc tốc độ rung động của riêng mình lên trên đó và như vậy chuẩn bị môi trường xung quanh để cho các tinh linh thiên nhiên đồng hóa. Thần lực chảy từ cõi trung giới xuống tới cõi dĩ thái gia tăng khi phôi thai tăng trưởng sao cho phạm vi ảnh hưởng của lực hấp dẫn dần dần mở rộng ra tới trọn cả kích thước của tử cung.

Khi sự tăng trưởng tiếp tục và các cơ quan được chuyên biệt hóa sắp kiến tạo thì hàng loạt rung động mới thêm vào cho các rung động hiện hữu thu hút thêm một loại hình mới mẻ tinh linh thiên nhiên và vật chất.

 

CHƯƠNG VII

THÁNG THỨ SÁU 

Khi sắp tới gần tháng thứ bảy thì ta để ý thấy có sự gia tăng hoạt động đáng kể ở đủ mọi mức. Mọi qui trình mà ta quan sát thấy trước kia đều được đẩy nhanh và Chơn ngã tuôn xuống năng lượng sinh hoạt của chính mình vào các thể nhiều hơn nữa.

Tụ điểm tâm thức Chơn ngã đã được chuyển xuống đi xuyên qua thể trí nhập vào thể vía rồi chẳng bao lâu nữa nó sẽ rời thể vía để an trụ vào thể phách. Vào lúc này, thể vía có thể phục vụ Chơn ngã một cách đáng kể dùng làm hiện thể để tiếp nhận các tác động từ cõi trung giới. Việc rung động và tâm thức tác động qua thể vía tạo ra những chức năng xác định rành mạch của cơ quan và ta bắt đầu thấy rõ được các luân xa.

Bản thân Chơn ngã trở nên linh hoạt hơn và đáp ứng với những tác động ngoại lai trên cõi của riêng mình. Muốn tiếp xúc với Chơn ngã thì dễ hơn nhiều và có được một mức độ hưởng ứng. Sự tiến triển thuận lợi của quá trình xây dựng và tăng trưởng các hiện thể mới dường như khiến cho Chơn ngã tự do hơn để tiếp xúc với sinh hoạt trên cõi nguyên nhân.

Chơn ngã đặc thù mà ta đang quan sát sự nhập thể của nó là một Chơn ngã có cá tính riêng biệt, đẹp đẽ và có sức mạnh ý chí. Ta nhận thấy rõ ở mức thể nguyên nhân thì hình dáng con người được lý tưởng hóa tới mức cao nhất. Khuôn mặt và đôi mắt rạng rỡ, biểu hiện chói ngời, sáng lên tình yêu và sự dịu dàng, thế nhưng lại lấp lánh quyền năng. Hình tướng trên cõi nguyên nhân được ghi lại trong óc phàm của tôi không phải là một khuôn mặt người vẹn toàn đủ mọi nét mà chỉ có khuôn mặt và đôi mắt đẹp đẽ - có thể nói là diện mạo của “Thượng Đế nội tâm”.

Việc tôi có thể tiếp xúc mật thiết hơn với Chơn ngã ở giai đoạn này khiến tôi có thể chia xẻ trong một chừng mực nào đó những cảnh ngộ đi kèm theo kiếp nhập thể mới. Ấn tượng chủ yếu giống như một người thức dậy từ một giấc ngủ dài làm hồi sức một cách kỳ diệu, cảm nhận thấy mình đã hoàn toàn được phục hồi đầy đủ sự tươi trẻ, sinh lực và quyền năng rực rỡ nhất. Chơn ngã được thức tỉnh như thế dường như đã vươn mình lên tới trọn vẹn phẩm cách của mình khi nó háo hức đứng trước ngưỡng cửa của chu kỳ nhập thể mới; trọn cả bầu hào quang của nó là buổi sáng tinh mơ khi mặt trời mọc kỳ diệu trong mùa xuân. Nó ấp ủ nhiều hi vọng lớn lao cho lần sinh ra đời này. Người ta đã làm chín muồi nhiều kế hoạch trong sự tịch lặng lâu dài của buổi an dưỡng trên cõi trời. Tâm thức bừng lên những kế hoạch làm việc lớn lao và những phương tiện diệu kỳ để tự biểu hiện mình giống như tâm trạng một nghệ sĩ khi lần đầu tiên bắt đầu một bức tranh mới sẽ diễn tả trọn vẹn mọi hoài bão nghệ thuật của mình.

Hiện tượng nhân lên các huyền năng của tâm thức ở mức nguyên nhân thường trở nên rõ rệt trong khi được khảo cứu. Sự kiện chính tôi tiếp xức với nó tuyệt nhiên không ảnh hưởng tới sự tập trung thần lực vốn được điều khiển hướng về việc kiến tạo các thể mới.

Cột ánh sáng nêu trên nối liền Chơn ngã với phôi thai xuất hiện bắt nguồn từ một điểm bên trong thể nguyên nhân tương ứng với tùng thái dương của hình người. Thế rồi nó đi qua cột ánh sáng hình dáng giống như cái phễu nhập vào thể trí, nó nhập vào đỉnh đầu và sau khi đã đi thẳng xuống giống như vậy xuyên qua thể vía thì rốt cuộc nó nhập vào xác phàm của phôi thai.

Vào lúc được 6 tháng rưỡi, bề rộng của cột này vào khoảng 6 phân Anh trên cõi trí tuệ và cõi trung giới, và 4 phân Anh trên cõi dĩ thái và xác phàm. Sự sống và huyền năng của Chơn ngã lóe lên rồi tắt đi trong cột này, vả lại nó còn tạo thành một đường liên giao giữa Chơn ngã và xác phàm cũng như được dùng để giữ cho 4 hiện thể của phàm ngã chỉnh hợp hoàn toàn với nhau.

Những hạn chế của tâm thức trong óc phàm ngăn không cho tôi chuyển dịch mối quan hệ chính xác giữa 4 hạ thể với nhau và lộ trình của cột ánh sáng. Các hiện thể có thể được biểu diễn qua sơ đồ xuyên xỏ trên cột ánh sáng mà ta có thể nghĩ là đến lượt nó đi qua đỉnh đầu rồi đi ra ở đáy của mỗi hiện thể lại đi vào đỉnh của hiện thể dưới nó cho đến khi đạt tới thể xác. Điều này có thể đúng trên sơ đồ nhưng thật ra không phải như vậy vì mặc dù các hạ thể dường như chiếm những vị trí cái này bên trên cái kia nhưng cũng có một sự chồng chất cái cao trên cái thấp, dường như thể nửa bên trên của thể này chiếm nửa bên dưới của thể ngay kế trên nó. Có lẽ đây không chính xác là phát biểu các sự kiện đúng theo không gian ba chiều. Nó gần nhất với mức mà tôi có thể đạt được trong ý thức óc phàm.Tuy nhiên khi quan sát hiện tượng này với tầm nhìn và tâm thức các cõi cao thì tôi có vẻ hiểu biết nó hoàn toàn.

Việc cột ánh sáng đi xuyên qua thể trí bây giờ hầu như đã trưởng thành ắt duy trì được quá trình từ khí hóa bên trong nó. Toàn bộ thể trí lớn hơn nhiều và sáng rực hơn so với trường hợp một tháng trước kia. Vào lúc này nó cao chừng 4 bộ Anh. Vô số các hạt nhỏ xíu màu sắc lòe loẹt liên tục vận động tích cực cả ở bên trong lẫn ở bề mặt tạo ra một màu trắng đục chập chờn, lấp lánh. Dáng vẻ trên bề mặt thể trí cũng giống như tuyết mà ta thấy bên dưới những tia nắng gay gắt khi các tinh thể đang tạo ra những tác dụng của lăng kính. Nó có kiến tạo thô trược hơn nhiều so với trước đây một tháng. Các hạt màu được phân phối đều đặn hơn và thể trí đồng chất hơn.

Hình dáng con người phía bên trong được xác định rõ ràng và con người trên cõi trí tuệ đang bắt đầu bộc lộ một mức độ nhất định của ngã thức. Cũng bầu hào quang kỳ diệu với sự tươi mới và thuần khiết tinh anh mà ta quan sát được ở mức độ nguyên nhân cũng lại là một đặc trưng nổi bật của thể trí.

Khi gần tới tháng thứ 7 thì hoạt động lớn nhất của Chơn ngã được tập trung vào thể vía. Phương pháp mà ta dùng giống như phương pháp được mô tả đối với thể trí mặc dù ở đây vật chất đáp ứng kém hơn nhiều. Trên chóp đỉnh của thể vía có xuất hiện một khe hở hình tròn, bờ mép của nó rõ ràng được tạo thành giống như tràng hoa trung tâm của một đóa hoa và gợi ra những cánh hoa nằm bẹp dí xung quanh nó ở ngoại vi của thể vía và bám sát theo hình dạng giống như trứng mà ta thấy rõ.

Cột ánh sáng nhập vào qua lỗ hổng hình tròn này có vẻ là một luân xa Brahmaranda dưới dạng phôi thai. Khi nhìn từ trên xuống thì ta thấy nó có dáng vẻ như một hoa cúc vạn thọ lớn. Lõi của cột đi xuyên qua tâm điểm của trung tâm “đóa hoa”, đại khái có đường kính chừng 2 phân Anh, trong khi đường kính của toàn thể đóa hoa ít ra cũng được 6 phân Anh. Các cánh hoa cụp xuống dưới và cụp vào bên trong hướng về trung tâm điểm, rồi chuyển vào hình dạng một cái cuống thuôn thuôn đi xuyên qua đỉnh đầu của thể vía tới tận trung tâm của nó, ở đây có một điểm sáng lớn lóng lánh tỏa ra một ánh sáng màu hoàng kim.

Từ điểm này lực đi xuống tỏa ra 4 tia hình giống như chữ thập theo các đường khớp của bộ sọ trên cõi trần. Luồng thần lực Chơn ngã chính vẫn còn đi xuống thêm nữa qua luân xa ở họng nơi có sự tập trung thần lực vào tim và tùng thái dương. Ba trung tâm lực này được thấy rõ trong phôi thai.

Trong giai đoạn này Chơn ngã vẫn còn tác động lên thể vía từ bên trên; đúng hơn là từ bên trong nó. Cho đến nay trong đó chẳng có bao nhiêu hoặc không hề có ngã thức giống như lúc bắt đầu trên mức trí tuệ.

Vào lúc này thể vía chiếm một vùng không gian từ vai tới đầu gối bà mẹ và hầu như đứng thẳng, chỉ hơi nghiêng từ vai trái sang đầu gối phải. Hào quang bà mẹ vẫn còn được mở rộng tương ứng để bao gồm thể vía trên. Ta vẫn còn thấy rõ sự phân biệt và ngăn cách giữa hai hào quang.

Đứa trẻ trong thể vía ở trong trạng thái ngủ mơ mộng, đủ thứ biến đổi tâm thức xuất hiện trong thể vía thành ra những sự biến đổi màu sắc lờ mờ đi vượt qua rồi xuyên qua nó. “Đứa trẻ” đôi khi được những xung lực từ Chơn ngã đánh thức dậy khỏi trạng thái tâm thức này và cựa quậy chút ít giống như người đang ngủ phần nào thức dậy. Tác dụng tổng quát lên trên thể vía của những hoạt động mơ mộng này của tâm thức nảy chồi trong thể vía giống như tác động những màu sắc đang thay đổi chậm chạp của bầu trời trong khi hoàng hôn. Điều này được củng cố bởi sự xuất hiện của chính thể vía, nó chiếu sáng với một độ sáng áp đảo, chập chờn mà mặt trời hiện ra khi xuống thấp trên đường chân trời.

Cái thai trên cõi trần dường như đóng vai một điểm tựa hoặc một chỗ neo đậu cho Chơn ngã. Việc tiếp xúc trực tiếp giữa đôi bên có tác dụng ổn định đối với những thể tinh vi, giữ cho chúng “chỉnh hợp” với Chơn ngã và được Chơn ngã kiểm soát. Phôi thai trên cõi trần cảm thấy tác động của thần lực từ các cõi cao là một xung lực liên tục thôi thúc nó vận động.

Ở trình độ phát triển này của ý thức trên cõi trần, cõi dĩ thái, cõi trung giới chỉ là một, ý thức ngoại giới và nội giới của đơn vị hợp nhất ấy chủ yếu là ở cõi trung giới.

Ở mức cõi trần, luồng thần lực biểu diễn tâm thức của Chơn ngã được tập trung bên trên và ngay trên đầu phôi thai, từ đó nó chuyển xuống cột sống, biểu lộ thành một ánh sáng màu vàng lợt hoặc hầu như màu trắng. Thật thú vị khi quan sát sự khác nhau giữa ánh sáng này và cái cột nối liền huyền năng tức sinh lực của Chơn ngã chuyển từ thể vía xuống lọt vào cái đầu, đi xuống qua cổ họng, rồi tim và cuối cùng chấm dứt ở tùng thái dương. Luồng vừa nêu mà ta thấy rõ trong phôi thai, tuôn chảy theo các dòng não tủy xét về phôi thai ở mức đốt sống đội mà cả hai đều giáng xuống thông qua đó. Tuy nhiên bên dưới mức này thì hai luồng thần lực đi theo hai hướng khác nhau.

Ta có thể thấy máu mạch động theo nhịp tim bên trong phôi thai trên cõi trần, phôi thai dường như cũng có một xúc cảm lờ mờ ấm áp và sự khoan khoái thiu thiu ngủ. Sự kích động xảy ra khi xung lực có ý thức của Chơn ngã sau khi đi xuyên qua thể trí và thể vía, lần đầu tiên chạm tới phôi thai trên cõi trần. Ta có thể nói sự nhập thể trên cõi trần bắt đầu vào lúc ấy bởi vì chính lúc ấy Chơn ngã lần đầu tiên tiếp xúc hữu thức với thể xác mới mẻ của mình.

 

CHƯƠNG VIII

THÁNG THỨ TÁM

Ta quan sát thêm nữa vào tháng thứ 8, khi hoạt động gia tăng rất nhiều khiến ta nhận thấy có một biểu hiện trọn vẹn hơn của sinh lực Chơn ngã trên ba cõi. Bản thân Chơn ngã đang hướng một mức độ tâm thức lớn hơn nhiều về phía cõi trần. Vào lúc này, nó đã xác lập một tụ điểm hoặc trung tâm điểm tâm thức bên trong phàm ngã mới sao cho bản thân nó ít ở “bên ngoài” hơn phàm ngã mới so với 8 tháng trước kia. Điều này dường như có một tác dụng hạn chế nhiều hơn đối với nó so với trường hợp ngay cả sau khi phàm ngã đã trưởng thành.

Nói cách khác, Chơn ngã có vẻ đầu tư bản thân lọt vào phàm ngã tại một thời kỳ trước khi sinh ra được một tháng nhiều hơn bất kỳ lúc nào khác trong khi nhập thể. Tuy nhiên bất chấp sự kiện này, tâm thức và hành động của Chơn ngã vẫn còn rất thoải mái và tự do ở mức cõi nguyên nhân.

Vào lúc này cột ánh sáng có bề rộng vào khoảng một bộ Anh khi nó rời bỏ thể nguyên nhân và ta có thể thấy hình dạng con người được vinh danh của Thượng Đế nội tâm đang đăm đăm nhìn xuống dưới với một cường độ lớn hướng về xác phàm của trẻ sơ sinh.

Tâm thức của Chơn ngã được xác lập vững chắc nơi cả thể trí và thể vía, nó đã xuyên thấu qua các mức trung giới thấp nhất nhập vào thể phách, mà năng lượng của nó đến lúc này đang tự do tác động trên đó.

Thể trí và thể vía dường như đã được hoàn tất và có vẻ giống nhau rất nhiều. Cả hai đều lộ ra vẻ bề mặt trắng như ngọc trai chiếu ngũ sắc, xung quanh là những tia phóng phát bức xạ cùng màu. Các nguyên tử cấu thành chúng vẫn còn rung động nhanh hơn và một chuyển động liên tục nội tại được quan sát bên trong cả hai thể.

Ta thấy cột ánh sáng xuất phát từ Chơn ngã đi xuyên qua nhập vào chỗ lõm lớn hình cái phễu ở ngay trên đỉnh thể trí, đi vào phần đầu của thể trí ở vị trí cái thóp phía trước, thế rồi mở rộng ra bao quanh và bao trùm toàn thể cái đầu. Bản thân thể trí đã có hình dạng dài hơn, cao chừng 5 bộ Anh, còn hình dáng con người ở trung tâm đã “tăng trưởng” lên tới khoảng 3 bộ Anh.

Mặc dù thể này dường như đã được kiến tạo hoàn tất nhưng nó không có kiến thức bên ngoài về môi trường xung quanh mình và nó cũng không thể được dùng làm một hiện thể riêng rẽ. Trước kia ta đã phát biểu rằng vào lúc này thì tụ điểm tâm thức ở mức trung giới-dĩ thái, chỉ đi xuyên qua và làm linh hoạt thể trí thôi.

Ở mức cõi trung giới, khi thể vía đã tăng trưởng cho đến lúc nó đạt tới vai của bà mẹ ở một điểm ngay giữa đầu gối và mắt cá chân của bà cũng có sự tiến bộ tương ứng.

Thiên thần trên cõi trung giới đang liên kết rất mật thiết với thể vía. Vào lúc đặc thù mà ta đang quan sát thì thiên thần xuất hiện phía sau bà mẹ, bao trùm một nửa thể vía mới bên trong hào quang của mình, thể vía lồi ra khỏi hào quang ấy giống như một quả trứng lớn nhiều màu.

Tâm thức thiên thần ở tình trạng định trí vào nhiệm vụ của mình. Thiên thần đang chăm sóc thể vía đến mức tối đa, ấp ủ nó, bảo vệ nó tránh những ảnh hưởng bên ngoài. Toàn thể thái độ của ngài giống như một người đang tạo ra một tác phẩm nghệ thuật tinh vi nhất, một điều gì đó hiếm có, quí báu và kỳ diệu đến nỗi ngài cần phải vận dụng nỗ lực lớn lao nhất, sự chăm sóc và ngay cả sự nâng niu cực lực nhất để khiến cho nó đạt mức toàn bích.

Ngài đang giúp cho bà mẹ một cách khá giống như vậy. Hào quang đẹp đẽ của ngài che phủ bà giống như một cái áo choàng hoặc áo khoác trùm lên bà từ phía sau. Đó là một cái áo hào quang giống như áo choàng không tay màu xanh lơ rất dễ thương trùm lên cả thiên thần lẫn bà mẹ, mũ trùm đầu của nó vượt lên trên vị thiên thần khiến cho ngài rất giống Thánh Mẫu. Màu xán lạn xanh lơ làm cho phần trên hào quang của ngài rất đẹp dường như thể ngài đang mặc áo choàng màu xanh lơ với ánh sáng rực rỡ.

 

CHƯƠNG IX

THÁNH MẪU

Sự thay đổi trong dáng vẻ của thiên thần mà ta quan sát được vào tháng thứ 8 té ra là do huyền năng từ các cõi cao giáng xuống, rồi đi qua thiên thần nhập vào bà mẹ và đứa con. Một nỗ lực phát hiện được nguồn gốc của nó đưa tôi vào mức tâm thức thường là khá vượt ngoài tầm với của mình và trong cõi tâm linh khi tôi tỉnh thức trước ảnh hưởng của nó thì có khai thị sự hiện diện do nhân cách hóa nguyên thể âm của thiên tính mà cổ nhân nhìn nhận là nữ thần Isis, Venus và Ishta, còn thời nay gọi là Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Ngay cả đối với tầm nhìn bất toàn và thiếu kinh nghiệm của tôi thì rõ rệt là Bà có một mức độ mỹ lệ và hoàn hảo vinh diệu.

Bà chói lọi và đẹp đẽ không thể tả được, chiếu sáng làm hiện thân cho nữ tính hoàn hảo, đỉnh cao phong thánh của vẻ đẹp, tình thương và sự âu yếm. Xung quanh Bà thiên tính trở nên vinh diệu. Đôi mắt tuyệt vời của Bà sáng lên niềm hạnh phúc tươi mới và niềm hoan hỉ tâm linh ngây ngất.

Mặc dù sự tán dương Bà thật là ghê gớm nhưng ánh mắt của Bà lại dịu dàng, âu yếm, bằng cách nào đó nó tràn đầy tiếng cười hạnh phúc của đám trẻ thơ cũng như hài lòng bình thản và sâu sắc của kẻ trưởng thành.

Hào quang lộng lẫy của Bà thật là êm dịu nhưng có sắc thái rực rỡ tạo thành một vầng hào quang chói sáng vinh diệu xung quanh Bà, vừa che khuất lại vừa hé lộ cái sự dễ thương bất tử của Bà. Màu xanh lơ thẩm, trắng như bạc, màu hoa hồng, màu hoàng kim và màu xanh lục của những chiếc lá non vào mùa xuân không ngừng lưu chuyển qua lớp áo hào quang dễ thương của Bà hết đợt sóng này tới đợt sóng khác, màu sắc và ánh sáng linh hoạt. Thỉnh thoảng màu xanh lơ thẩm rực rỡ của Bà lại thấm nhuần hết tất cả, chói sáng lên do những ngôi sao và những tia sáng lập lòe có màu sắc giống như bạc.

Các thiên thần hộ mệnh là người phụng sự và thiên sứ của Bà. Thông qua họ Bà đã hiện diện ngay từ đầu, trông nom cả mẹ lẫn con. Sự an bình, tình thương và lòng từ bi sâu sắc của Bà bao trùm lấy họ, phát ra từ bí tích mẫu nhi đang tới gần, tức là điều bí nhiệm về sự sinh sản. Giờ đây đã gần tới lúc lâm bồn thì Bà tiến gần tới nơi đến nỗi các thiên thần phục vụ Bà gần giống Bà nhiều hơn nữa về sinh lực và về tâm thức vốn đang biểu hiện nơi họ và thông qua họ. Dần dần Bà tiến gần hơn cho đến khi sự trình bày diễn ra trong sự Hiện diện thật sự của Bà.

Ngoài sự trợ giúp mà sự Hiện diện của Bà dành cho các Chơn ngã của cả bà mẹ lẫn đứa con ở mọi mức độ cùng với những ảnh hưởng làm trấn tỉnh và hài hòa do nó tỏa ra thì Bà còn quan sát kỹ lưỡng những thay đổi trong thể xúc động và thể trí của bà mẹ, cùng với bà mẹ trải nghiệm những điều mà bà đang nếm thậm chí chia xẻ cả sự đau đẻ của bà. Cùng lúc đó Bà giúp cho bà mẹ được gia tăng sự bành trướng tâm thức xảy ra trong một chừng mực nào đấy cho mọi bà mẹ suốt thời kỳ hi sinh để cho con cái ra đời.

Những sự bành trướng này có nghĩa là sự tăng trưởng cho cả cá thể lẫn cho nhân loại. Thánh Mẫu đang tìm kiếm trong giống người tương lai khi hôn nhân và tư cách làm cha mẹ sẽ được đề cao giữa nhân quần, khi chúng đóng vai trò đúng mức và thỏa đáng trong sinh hoạt con người trên cương vị là những phép bí tích tâm linh, chỉ nhờ có vậy mà nhân loại mới được sinh ra một cách trong sạch, vì bản thân Bà vốn trong sạch và phô bày một mức độ hoàn hảo thiêng liêng của mình. Đến lúc bấy giờ thì mới tạo ra được những cơ thể sẽ là những đền thờ thích hợp để cho Thượng Đế đang tiến hóa tới ngự bên trong.

Khi tôi tham thiền và phấn đấu tiếp xúc với rìa mép tâm thức vĩ đại của Bà thì tôi ngộ ra được rằng Bà không ngừng làm việc để ghi khắc những lý tưởng lớn lao này lên nhân loại. Bà hiệp nhất với mọi người phụ nữ trong nhân loại trên hành tinh này, tự nguyện hấp thụ vào trong bản thân mình nỗi đau khổ của họ, chia xẻ với họ nỗi đau quằn quại của việc sinh con đẻ cái, chịu đựng sự thô lỗ và bạo ngược trong sinh hoạt làm cho linh hồn chết lần chết mòn của những kẻ bất hạnh. Bà tiếp nhận hết những thứ ấy vào trong bản thân mình để cho Bà có thể chia xẻ mật thiết hơn nữa với các chị em trên trần thế cái lòng từ bi thiêng liêng, sức mạnh, sự trong sáng toàn bích và sự hiện diện sống động của chính mình, ban phước cho họ trên cương vị Đức Mẹ Thế Gian.

Tôi cũng thấy Bà chia xẻ mọi niềm vui rộn rã của tình yêu đầu tay; mọi niềm hạnh phúc của tình luyến ái chân chính giữa người nam và người nữ cũng được vang vọng trong tâm hồn Bà, khiến cho Bà thêm vào đó tình yêu toàn bích và niềm vui hừng hực từ cái đại dương vô biên của chính mình. Bà ra sức tăng cường, ban phước, làm phong phú và tẩy trược mọi chiều sâu kỳ diệu của tình thương mà tâm hồn người phụ nữ có thể sinh ra được. Mọi niềm tham dục rất thường bị bại hoại thì cũng được Bà biết tới để tìm cách chuyển hóa, Bà tiếp nhận chất độc ấy vào trong tâm hồn chính mình để cho nó có thể biến thành nước cam lồ của tình yêu chân chính và phóng phát ra thành một huyền năng nâng cao đám phụ nữ trên thế gian, đề cao tình yêu giữa nhân quần và tẩy trược cho phép bí tích làm cha làm mẹ.

Thế là Bà đã chu toàn phần việc vĩ đại của mình trong Thiên cơ, tham gia vào Huyền giai các Đấng ấy, mặc dù đã học cách sống trong Vĩnh cữu thế nhưng lại tự nguyện giam mình trong dòng thời gian.

 

CHƯƠNG X

THÁNG THỨ TÁM (tiếp theo)

Ta tiếp tục tường trình những cuộc khảo cứu về sự tiến triển của cách nhập thể vào tháng thứ 8. Vào lúc này, việc kiến tạo cơ chế siêu vật lý của tâm thức đã hoàn tất xét về cái đầu của thể vía, nhưng dĩ nhiên nó không thể hoạt động thấp hơn cho đến khi thể xác trọng trược đã phát triển đúng mức.

Cột ánh sáng trung tâm đi xuyên qua đầu ở chỗ cái thóp phía trước và phần còn lại của cột ánh sáng chu lưu qua phần còn lại của xác phàm. Khi cái lõi đã đạt tới một vị trí tương ứng với tuyến tùng thì nó mở rộng ra thành một cái củ bao gồm cả tuyến tùng lẫn tuyến yên.

Trong giai đoạn này các não thất hầu như xẹp lép, tuyến tùng và tuyến yên được hình thành hoàn chỉnh. Ta thấy ở đầu mút cuối của cột sáng đi xuống có những biểu thị của 3 lực tuyến trong cái củ. Hai đường sức lần lượt nhập vào tuyến yên và tuyến tùng còn đường sức thứ ba chảy vào đốt sống đội.

Thể phách của tuyến yên có hình dạng khá giống như một nụ hoa uất kim hương với những cánh hoa hơi uốn cong ra ngoài ở phía chóp đỉnh để tạo thành một lỗ thoát cho dòng thần lực tuôn chảy vào. Bên trong đầu mút cuối này, cột ánh sáng hơi chói lên một chút và ta thấy đường nét bên ngoài của luân xa ajna ở giữa lông mày còn phôi thai. Trong nội bộ thể phách, nó khá giống như một cây gậy rỗng chứa đầy nhựa mà luồng thần lực đi xuống không thể xuyên qua được. Chỗ mà luân xa rời khỏi tuyến yên bị chặn kín bởi lớp vách hay lớp da bằng chất dĩ thái của chính tuyến này.

Tuyến tùng ở trong tình trạng tương tự nhưng chói sáng hơn và tạo ra tác dụng của một lưỡi lửa nhọn trong đó ta thấy rõ có một chút màu xanh lơ. Kênh dẫn bằng dĩ thái từ hai trung tâm lực này tới cái thóp ở phía trước bị che kín bằng vật chất của thể phách theo cách thức tương tự như ta thấy luân xa ajna giữa lông mày, mặc dù ở đây các hạt chuyển động nhiều hơn và chất nhựa ít thô đặc hơn dù sự sống của Chơn ngã đã từ khí hóa nó như thể đã tạo ra một tốc độ rung động nhanh hơn. Các hạt bên trong cũng bị cách ly khỏi phần còn lại của thể phách bằng một lớp vách dĩ thái của kênh dẫn.

Dòng thần lực não tủy thứ ba vẫn còn chưa được lưu chuyển tự do xuống cột sống.

Từ đáy của cái củ trung tâm trên đầu có một số những rễ nhỏ hoặc nhành nhỏ xíu chỉa ra xuống dưới xâm nhập vào thể phách của phần cổ họng.

Thần lực chu lưu qua những thứ này và chuyển xuống cổ họng tới tận vị trí tim, ở đó cũng có chỗ mở rộng giống như hình cái củ nhưng nhỏ hơn nhiều, tương tự như hình củ trên đầu và chiếm một vùng không gian xấp xỉ ¼ dung lượng của trái tim.

Trong giai đoạn này ta thấy rõ các luân xa của thể vía, chúng tương đối đã ăn khớp với 4 trung tâm lực trên cõi trần nêu trên, nhưng dường như chỉ có tuyến tùng và luân xa đỉnh đầu Brahmaranda là hoàn toàn chỉnh hợp và liên thông. Tuy nhiên không có mối liên kết hữu cơ hoặc sự tuôn chảy thần lực nào trong giai đoạn này. Các trung tâm lực dĩ thái ở bên trong từ trường của các luân xa thể vía nhưng còn chưa hoạt động giống như sau khi sinh ra.

 

CHƯƠNG XI

GIỜ PHÚT TRƯỚC LÚC SINH RA

Cuối cùng ta quan sát trường hợp mà hầu hết vấn đề bao trùm trong những mô phỏng này được rút ra một giờ rưỡi trước khi sinh. Vào lúc ấy các thiên thần thượng trí và hạ trí có vẻ đã triệt thoái sự liên kết của mình với Chơn ngã và những hạ thể mới; công trình của họ đã được hoàn tất và họ không cần có mặt nữa.

Thiên thần cõi trung giới cũng đã lên đường nhưng hình tư tưởng của Thánh Mẫu vẫn ở lại. Nó không còn được làm linh hoạt bởi tâm thức của chính Thánh Mẫu. Hình bóng giờ đây đã tách rời khỏi cả bà mẹ lẫn đứa con, đứng bên phía trái gần đầu giường, cúi mình xuống bà mẹ với một thái độ cực kỳ âu yếm và che chở.

Sự Hiện Diện của Đức Mẹ Maria có tác dụng ngăn ngừa cho thể trí và thể vía của bà mẹ không rung động đáp ứng với sự đau đớn quá mức độ mà ý thức của phàm nhân trong thể xác có thể duy trì được. Sự đau đớn không thể giảm thiểu quá một mức nào đó nhưng tác dụng của nó đối với các thể tinh vi được giảm thiểu tới mức tối thiểu. Thật vậy, do Thánh Mẫu có mặt cho nên ý thức phàm ngã của bả mẹ được duy trì ở một trạng thái thăng bằng và bình tĩnh mặc dù thân xác bà đang đau quặn. Cả mẹ lẫn con dường được bao trùm trong bầu hào quang huyền năng tâm linh rực rỡ toát ra từ sự Hiện Diện uy nghi của Đức Mẹ và Bà cứ duy trì họ như thế cho đến khi mẹ tròn con vuông.

Trong nội giới, căn phòng được thấm nhuần bằng một bầu hào quang thánh thiện và an bình. Các thiên thần phục vụ của Đức Mẹ đều có mặt, cả mẹ lẫn con đều được tình thương và sự ban phước của Thánh Mẫu tỏa chiếu. Khi sắp đến lúc đứa bé lọt lòng thì hình tướng của Bà bắt đầu chói sáng càng ngày càng rực rỡ và kích thước gia tăng khi tâm thức của Bà biểu lộ nhiều hơn qua đó, sự sống, ánh sáng và sự ban phước của Bà giáng xuống nhiều hơn cho cả mẹ lẫn con.

 

----------------

 

Khi đã sinh đẻ xong thì Thánh Mẫu rút lui. Tuy nhiên, Hình bóng của Thánh Mẫu chỉ tan rã từ từ, quá trình này có lẽ kéo dài từ 8 tới 10 tiếng đồng hồ. Sau khi các thiên thần đã rút lui và quá trình sinh đẻ đã bắt đầu thì sự tiếp xúc của Chơn ngã với xác phàm giảm đi đáng kể, còn ngay sau khi sinh thì nó hầu như biến mất. Vì vậy, người ta giả định rằng sự kiện các thể cao của đứa trẻ được bao trùm bên trong các thể cao của bà mẹ và được các thiên thần che chở khiến cho Chơn ngã có được sự tiếp xúc mật thiết hơn nhiều với xác phàm mới của mình so với mức tiếp xúc sau khi nó sinh ra.

Chơn ngã cảm nhận rõ rệt sự thay đổi ấy, nó trải nghiệm một ý thức hụt hẫng và ngộ ra được rằng mình hoàn toàn bất lực không thể hoạt động hữu thức bên trong hoặc ảnh hưởng gì cái thể xác mới. Mối liên hệ giữa đôi bên vẫn còn thấy rõ ngay trước khi sinh ra và ta có thể truy nguyên cột ánh sáng  khi nó đi xuyên qua cái thóp ở phía trước. Tuy nhiên cột ánh sáng gồm có nhiều năng lượng prana và từ khí siêu hồng trần hiện nay hơn là tâm thức Chơn ngã, vào lúc này tâm thức Chơn ngã không thể xuống dưới mức thể vía được. Trong giai đoạn này, thể xác và thể phách không thể truyền thần lực của tâm thức Chơn ngã.

Sau khi sinh ra đời, Chơn ngã phải tiếp quản nhiệm vụ học dần dần việc đạt được cho bản thân điều mà sự hiện diện của các thiên thần và sự nhún chìm trong hào quang của bà mẹ đã khiến cho Chơn ngã làm được trong thời kỳ bào thai ở bên trong tử cung.

Nhận xét vừa qua kết thúc công trình nghiên cứu của tôi về đề tài quan trọng này. Tôi công nhận cần phải khảo cứu thêm nữa trước khi nguyên tắc mà công trình nghiên cứu này đề ra có thể được xác lập và thấu hiểu đầy đủ. Vì vậy, công trình này chỉ là hạn chế và bất toàn. Tôi hiến dâng nó trong tình trạng hiện nay cho bạn đọc với hi vọng là những học viên khác sẽ tiếp quản công trình nghiên cứu và khảo cứu thêm nữa để cho bản thân tôi lại có đặc quyền quan sát những trường hợp thêm nữa trong thời kỳ quan trọng nhất của cuộc sống.

                                                                                                                  Hết

Hội Thông Thiên Học Việt Nam Phú Nhuận Gia Định

Chi Bộ Dưói Chân Thầy tại Thị Xã Vĩnh Long, Việt Nam Cộng Hòa

Hội Thông Thiên Học Hoa Kỳ
Hội Thông Thiên Học Thế Giới,